Dữ liệu lớn và phân tích mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp nói riêng và ngành Du lịch - Khách sạn nói chung. Phân tích dữ liệu hỗ trợ ra quyết định kinh doanh và thông tin chi tiết về nghiên cứu, về phân tích đồng thời cho phép xem xét khối lượng dữ liệu quy mô lớn theo cách thân thiện với người dùng. Những cải tiến khác về cơ sở hạ tầng đám mây và phần cứng hỗ trợ dữ liệu lớn giúp giảm chi phí của các dịch vụ này và cải thiện hiệu suất của chúng. Những tiến bộ công nghệ này mang lại cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp khai thác sự phong phú của dữ liệu để hỗ trợ các hoạt động và đạt được lợi thế cạnh tranh.
Trong lĩnh vực Du lịch - Khách sạn, việc sử dụng hiệu quả dữ liệu lớn gắn liền với quản lý doanh thu; nghiên cứu thị trường và tiếp thị chiến lược; trải nghiệm khách hàng và quản lý danh tiếng. Một trong những tổ chức sử dụng thành công dữ liệu lớn để đạt được lợi thế cạnh tranh là AirBnB.
Mặc dù dữ liệu lớn được coi là có lợi cho kinh doanh, nhưng trong quá trình sử dụng cần chú ý đến đạo đức và quyền riêng tư về dữ liệu, cũng như những lo ngại về bảo mật, trích xuất thông tin liên quan từ sự phong phú của dữ liệu, những sai lầm trong diễn giải và không ít nguy cơ vi phạm dữ liệu. Những lo ngại này ngày càng gia tăng bởi các cuộc tấn công mạng toàn cầu gần đây, cụ thể hơn là do các vụ vi phạm dữ liệu trong một loạt các ngành và lĩnh vực, bao gồm cả ngành Du lịch - Khách sạn. Một trong những vụ vi phạm dữ liệu lớn nhất của thế kỷ 21 đã ảnh hưởng đến Marriott International. Bắt đầu từ năm 2014, vi phạm dữ liệu xảy ra trên các hệ thống hỗ trợ thương hiệu khách sạn Starwood, được Marriott mua lại vào năm 2016 và ảnh hưởng đến gần 500 triệu khách hàng trên toàn thế giới, nhưng vi phạm chỉ được phát hiện vào tháng 9/2018.
Theo kết quả khảo sát của tổ chức Global State of Enterprise Analytics năm 2018, có 49% công ty được khảo sát trên toàn cầu tin rằng những thách thức chính thường gặp phải là những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Một báo cáo khác gần đây cũng cho thấy, hơn 40% chuyên gia trong ngành Du lịch khẳng định rằng quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhất tác động đến thương mại kỹ thuật số trong lĩnh vực này.
Khi lựa chọn các giải pháp phân tích, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn bắt buộc phải giải quyết các mối quan tâm ngày càng tăng xung quanh quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu khách hàng thông qua giải pháp quản trị dữ liệu được thiết kế tốt, có khả năng cung cấp dữ liệu chất lượng, các khuôn khổ bảo mật và bảo vệ dữ liệu hiệu quả cho tất cả các bên liên quan.
Quản trị dữ liệu đề cập đến các chính sách và thủ tục được các tổ chức áp dụng để quản lý, là một khuôn khổ đa chức năng để quản lý dữ liệu như một tài sản chiến lược của doanh nghiệp. Theo nhà nghiên cứu Sarsfield, khung quản trị dữ liệu là một tập hợp các quy trình đảm bảo các tài sản dữ liệu quan trọng được quản lý chính thức trong toàn bộ tổ chức. Mục tiêu chính của quản trị dữ liệu là tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua cách tiếp cận toàn diện đối với dữ liệu quan trọng của tổ chức. Tuy nhiên, nghiên cứu trước đây và các báo cáo về quản trị dữ liệu chỉ ra rằng, các phương pháp tiếp cận quản trị dữ liệu có xu hướng tập trung vào các khía cạnh đơn lẻ của quản trị dữ liệu, đặc biệt cho thấy sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chất lượng dữ liệu và sự tuân thủ.
Theo Gartner, một công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu, ngày nay người tiêu dùng ngày càng có nhận thức về giá trị của dữ liệu cũng như thông tin cá nhân của mình và họ nhạy cảm hơn với việc các tổ chức sử dụng dữ liệu cá nhân của mình. Vì tất cả những lý do này, các doanh nghiệp du lịch và khách sạn cần mở rộng từ các khuôn khổ chỉ dựa trên tuân thủ sang các giải pháp về quyền riêng tư và đạo đức để trao đổi dữ liệu, thông tin một cách công bằng và có đạo đức…
Để thành công, các doanh nghiệp du lịch phải tạo dựng và duy trì niềm tin với khách hàng, đồng thời tuân theo các giá trị nội bộ của tổ chức để đảm bảo khách hàng tin cậy. Việc sử dụng dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng nếu được quản lý một cách hợp pháp, đạo đức và hiệu quả, có thể dẫn đến lợi thế cạnh tranh thông qua cái nhìn sâu sắc hơn về hành vi của người tiêu dùng cả trực tuyến và ngoại tuyến…
Tài liệu tham khảo:
1. Yeoman, I. and McMahon-Beattie, U. (2018), “The future of luxury: mega drivers, new faces and scenarios”, Journal of Revenue and Pricing Management, Vol. 17 No. 4, pp. 204-217.
2. Urquhart, E. (2019), “Technological mediation in the future of experiential tourism”, Journal of Tourism Futures, Vol. 5 No. 2, pp. 120-126...
3. Evans, N. (2020), Strategic Management for Tourism, Hospitality and Events, 3rd ed., Routledge, Abingdon…
TS. Trần Văn Hùng - TS. Lê Minh Thành - ThS. Bùi Xuân Thắng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)