Hiện trạng, chính sách phát triển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam
Du lịch cộng đồng đang trở thành loại hình du lịch hấp dẫn toàn cầu, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia phát triển du lịch với mục tiêu mang lại lợi ích chung cho cộng đồng địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao sinh kế cho người dân và góp phần vào công tác bảo tồn văn hóa địa phương.
Du lịch cộng đồng ở Việt Nam đã xuất hiện từ năm 1997 tại một số tỉnh trong cả nước như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam... Sau hơn 20 năm phát triển, cùng với trào lưu khách du lịch quốc tế tham gia loại hình du lịch trải nghiệm cộng đồng gia tăng mạnh trên toàn cầu, hoạt động du lịch cộng đồng tại Việt Nam đã trở nên sôi động hơn và thu hút sự quan tâm phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng ở nước ta cũng bộc lộ một số hạn chế như: vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương trong điều kiện khai thác phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế; nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng còn chưa có điểm nhấn để thể hiện bản sắc độc đáo của cộng đồng địa phương; điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều điểm du lịch cộng đồng chưa thực sự đảm bảo để đáp ứng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách từ các quốc gia phát triển; vấn đề phân phối, chia sẻ lợi ích từ hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng còn nhiều bất cập; nhân lực cho phát triển du lịch cộng đồng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu…
Tại hội thảo, TS. Đoàn Mạnh Cương - Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra một số khuyến nghị phát triển du lịch cộng đồng nhằm xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững: (1) cần có chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, trong đó xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế xã hội và góp phần xóa đói giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội; có cơ chế chính sách tạo cơ hội để người dân có thể cung cấp được hàng hóa, dịch vụ du lịch; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tiêu thụ các sản phẩm do người dân địa phương làm ra, giúp cho việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương phát triển du lich. (2) cộng đồng phải được chia sẻ lợi ích từ phát triển du lịch; phát triển du lịch phải có trách nhiệm với xã hội để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững. (3) mỗi địa phương cần xây dựng phương án lựa chọn loại hình sản phẩm để làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng. (4) cộng đồng được tham gia từ đầu các kế hoạch phát triển du lịch và phải tăng quyền lực cho cộng đồng trong việc thực hiện quyền kiểm soát, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. (5) cần có sự vào cuộc của các bên cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch trong phát triển du lịch cộng đồng; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu rộng rãi loại hình du lịch dựa vào cộng đồng đến du khách trong và ngoài nước trên các phương tiện truyền thông.
Trong phát triển du lịch cộng đồng, việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác các loại tài nguyên tự nhiên, nhân văn thuộc về cộng đồng là điều tất yếu. Tuy nhiên, các cộng đồng địa phương, đặc biệt là những cộng đồng nghèo đang rất thiếu tri thức cũng như kinh nghiệm, cơ sở vật chất, tài chính để có thể tổ chức, quản lý, triển khai các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, khai thác các nguồn lực cho sự phát triển một cách hiệu quả. Vì vậy, việc thu hút vốn đầu tư trong phát triển du lịch cộng đồng là vấn đề cốt yếu bên cạnh vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng. TS. Nguyễn Đức Thắng cho rằng, để thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển du lịch cộng đồng bền vững, cần thu hút đầu tư qua hoạt động lữ hành; thu hút đầu tư sản xuất và bán sản phẩm đồ lưu niệm, thủ công truyền thống; thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, hạ tầng cơ bản, tu bổ, tôn tạo tài nguyên tự nhiên và nhân văn, quy hoạch, tư vấn, thiết lập nguồn khách, cung cấp công nghệ làm du lịch cộng đồng.
Về công tác đào tạo nhân lực địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, TS. Nguyễn Tư Lương - Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội chia sẻ kế hoạch dài hạn và sự quản lý thống nhất trong hoạt động đào tạo du lịch cộng đồng, đó là: đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thống nhất nhận thức của xã hội về phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các chương trình khoa học về phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng các tiêu chí và chuẩn quốc gia về mô hình phát triển du lịch cộng đồng; hình thành cơ chế quản lý thống nhất trong hoạt động du lịch cộng đồng; thống nhất nội dung và phương pháp trong đào tạo du lịch cộng đồng; đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý trong lĩnh vực đào tạo du lịch cộng đồng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Mô hình du lịch cộng đồng không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển chung của du lịch mà còn có tác động sâu sắc đến văn hóa, xã hội, môi trường. Nhưng để duy trì tính bền vững của mô hình du lịch cộng đồng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và địa phương, các công ty lữ hành và các cấp chính quyền. Tại hội thảo, các đơn vị kinh doanh về lĩnh vực du lịch cộng đồng cũng đề cập đến một số những khó khăn còn gặp phải, giới thiệu những mô hình hoạt động du lịch cộng đồng hiệu quả, và đề xuất một số kiến nghị nhằm xây dựng chính sách phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đề xuất cần ban hành chính sách nhằm phát triển hiệu quả du lịch cộng đồng; xây dựng được chiến lược quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, làm cơ sở xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng phù hợp với mỗi địa phương; chính sách hỗ trợ hạ tầng cơ sở nhằm tiếp cận điểm đến du lịch cộng đồng; ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể cho việc phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch cộng đồng tại mỗi địa phương; tổ chức tham quan khảo sát tại những mô hình đã thành công trong hoạt động du lịch cộng đồng nhằm chia sẻ, học hỏi và xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng; đồng thời, công tác xúc tiến quảng bá cũng cần được quan tâm giúp sản phẩm du lịch cộng đồng đến được với khách du lịch trong và ngoài nước.
Anh Minh – Trang Lê