Cơ hội phát triển
Nâng cao hiệu quả thuyết minh và quảng bá di sản
Những năm gần đây, Chính phủ luôn khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý vĩ mô nền kinh tế đất nước. Trong lĩnh vực văn hóa, việc ứng dụng các sản phẩm của cách mạng 4.0 để bảo tồn, phục dựng và quảng bá những giá trị của di sản văn hóa cũng rất phát triển. Một số địa chỉ di sản nổi tiếng như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, Bảo tàng Điêu khắc Chămpa - Đà Nẵng, Bảo tàng Hải Dương học - Khánh Hòa, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - thành phố Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đã ứng dụng thuyết minh tự động (Audio Guide) gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau để phục vụ khách tham quan. Thiết bị trên được nối vào tai nghe và hoạt động dựa theo bộ định vị được cài sẵn ở các địa điểm cần thuyết minh, đồng thời du khách sẽ nhận được thêm tờ hướng dẫn kèm theo để hỗ trợ trong quá trình tham quan tại di sản.
Ngoài ra, phải kể đến chương trình ứng dụng phần mềm thuyết minh tự động của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã cho phép tất cả mọi người có thể khám phá Hoàng Thành Thăng Long bằng thiết bị điện thoại thông minh kết nối Internet từ kho ứng dụng App Store. Nội dung thuyết minh di sản được thể hiện dưới hình thức văn bản, hình ảnh tĩnh và động. Ứng dụng này không chỉ khắc phục được những hạn chế của loại hình Audio Guide, mà còn có thể giúp cho khách tham quan nắm bắt được thông tin về thời gian mở cửa, địa điểm tham quan, giá vé và các thông tin liên quan khác. Du khách cũng có thể gửi phản hồi của mình trên ứng dụng App Store đến nhà quản lý để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch ngày một chất lượng hơn. Có thể nói, việc triển khai ứng dụng thuyết minh Audio Guide đa kênh ngôn ngữ thông qua hệ thống kết nối không dây tại những di sản trên đã bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực. Trước kia, công việc thuyết minh chỉ mang tính tự phát, hiện nay văn bản thuyết minh được xây dựng chuyên nghiệp sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm, khám phá về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của di sản mà không bị quấy rầy trong suốt buổi tham quan. Công cụ thuyết minh này rất tiện lợi cho những khách đi nhóm nhỏ hoặc lẻ.
Đổi mới và nâng cao chất lượng bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Chương trình số hóa di sản văn hóa không phải là việc làm mới đối với nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam công nghệ này cũng đã được ứng dụng hơn mười năm trở lại đây. Đi đầu trong lĩnh vực này là Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Viện âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia với hàng trăm dự án sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật biểu diễn dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam đã được thực hiện. Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và những sản phẩm văn hóa phi vật thể khác đã được số hóa để thuận tiện trong việc lưu giữ, phục vụ nghiên cứu và quảng bá những giá trị của di sản văn hóa. Công cụ số hóa dữ liệu đầu vào là những thiết bị hiện đại trong lĩnh vực truyền thông hiện nay. Phần mềm được sử dụng là phiên bản Media 100, Finalcut... Tất cả các dữ liệu sau khi mã hóa được lưu trữ trên đĩa DVD-RW, kỹ thuật in hình trên đĩa này là kỹ thuật cao nhất để đảm bảo chất lượng tư liệu.
Hệ thống Data Bank của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là nơi tổng hợp đầy đủ và đa dạng các giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Về lĩnh vực bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa vật thể, ứng dụng công nghệ 3D được coi là phương pháp tốt nhất để phục dựng các di vật, cổ vật hoặc những công trình kiến trúc nghệ thuật của di tích đã bị xuống cấp, hoặc bị hủy hoại bởi khí hậu và thời gian. Đi tiên phong trong lĩnh vực này là dự án “Xây dựng ngân hàng cơ sở dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích ở Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện. Đây là công trình ứng dụng công nghệ scan 3D các di tích kiến trúc nghệ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực hiện số hóa các hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ứng dụng công nghệ 3D để phục dựng kiến trúc thời Lý phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu…
Nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa
Những thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 đã mở ra phương pháp mới trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Chẳng hạn việc ứng dụng công nghệ 3D trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng đã tạo ra không gian ảo thuyết minh các di vật, cổ vật, hoặc giới thiệu kiến trúc nghệ thuật của di tích, đem lại cho khách tham quan cảm giác thú vị, giúp họ biết được thông tin toàn diện về lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản.
Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, sản phẩm công nghệ 4.0 không chỉ làm thay đổi căn bản phương pháp bảo tồn, lưu giữ mà còn là phương tiện tuyên truyền, nâng cao vị thế của di sản; đồng thời tạo ra những sản phẩm công nghiệp văn hóa, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của người dân ở các tầng lớp trong xã hội. Theo khảo sát tại các điểm biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trên địa bàn cả nước cho thấy, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số cho âm thanh, hiệu ứng ánh sáng, kỹ thuật sân khấu… trở nên ngày càng phổ biển nhằm nâng cao chất lượng chương trình nghệ thuật, đem lại sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn và độc đáo cho công chúng.
Đi đầu trong lĩnh vực này phải kể đến Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế - thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Đây là đơn vị nghệ thuật có chức năng bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình. Từ khi loại hình nghệ thuật này được công nhận là Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, UNESCO thông qua Quỹ ủy thác Nhật Bản đã tài trợ 154.900 USD, vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam là 190.000 USD để tập huấn nâng cao phương pháp nghiên cứu, lưu trữ di sản; tuyển sinh và truyền dạy cho 20 nhạc công nhã nhạc; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại cho nhà hát. Chương trình biểu diễn của nhà hát là sự tổng hòa của âm thanh, ánh sáng hiện đại trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật số đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong nước và quốc tế.
Tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng 4.0
Với quan điểm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng 4.0” đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Xây dựng cơ chế chính sách
Rà soát, điều chỉnh và bổ sung chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đáp ứng được sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.
Xây dựng chính sách và giải pháp có tính đột phá để khai thác và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để xây dựng các sản phẩm văn hóa chất lượng cao. Đề xuất chính sách và cơ chế tài chính đặc thù để huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ dành cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút chất xám và các nguồn lực đầu tư ứng dụng phát triển công nghệ 4.0 dành cho phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng.
Phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận sử dụng công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngành Văn hóa phải đáp ứng được xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực khoa học, công nghệ nhằm đáp ứng được kỹ thuật tân tiến dành cho lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nâng cao năng lực quản lý sử dụng khoa học công nghệ kỹ thuật số ứng dụng vào các hoạt động văn hóa để tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào đời sống. Ứng dụng kỹ thuật 4.0 kết hợp với di sản văn hóa để tạo ra những sản phẩm công nghiệp văn hóa với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng bền vững.
Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ 4.0
Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và năng lực nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa phục vụ thương mại, cũng như ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ cao để bảo tồn, phục dựng các di vật, cổ vật, báu vật, công trình kiến trúc nghệ thuật của di tích, nghệ thuật trình diễn dân gian đang bị mai một, hoặc biến mất trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Phát triển khoa học công nghệ (tự động hóa, công nghệ thông minh) và ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, ưu tiên cho việc mua hoặc chuyển giao công nghệ để tạo ra sản phẩm công nghiệp văn hóa độc đáo nhằm quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu trong hoạt động bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa vật thể; đẩy mạnh xây dựng dữ liệu số bảo tồn, lưu giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tích hợp các ứng dụng nhằm cung cấp dịch vụ trực tuyến đến các đối tượng: nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực văn hóa, các ngành công nghiệp giải trí, ngành công nghiệp du lịch.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Tích cực tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về: “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; Xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa; Tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa; Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa” và “Coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những gia tư văn hóa truyền thông, văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể...” trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và toàn diện trong đời sống xã hội ở Việt Nam…
ThS. Nguyễn Mạnh Cường
Tạp chí Du lịch 6/2018