Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956 và được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 10/5/2012. Hàng năm, Khu di tích Kim Liên đón gần 2 triệu lượt khách tham quan và nghiên cứu. Mặc dù lượng khách đến đây ngày một tăng nhưng chủ yếu là khách nội địa, đi theo tuyến Cửa Lò - Vinh - Nam Đàn với mục đích tham quan và dâng hương. Do đó, thời gian lưu lại ngắn, chỉ đi trong ngày. Nguyên nhân là do sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, chủ yếu phục vụ hoạt động tham quan, dâng hương và chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ, hoặc có nhưng còn đơn điệu, manh mún. Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn uống, lưu trú còn sơ sài chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; các dịch vụ vui chơi, giải trí còn thiếu thốn.
Để Khu di tích Kim Liên là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương, cần có một số giải pháp trước mắt và lâu dài sau:
Thứ nhất: Khu di tích Kim Liên là di tích quốc gia đặc biệt, vì vậy, Nhà nước cần có quy hoạch chi tiết, cụ thể các dịch vụ tại đây: tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt của khu di tích; đảm bảo vừa bảo vệ tuyệt đối các di tích gốc của khu di tích vừa phải gắn với việc phát huy giá trị của cụm di tích trong phát triển du lịch.
Thứ hai: Đầu tư các điểm bán hàng lưu niệm mang đậm tính chất vùng quê và thân thiện với môi trường như: kiến trúc mái tranh, chõng tre gắn với các đồ dùng bằng gỗ, tre từ cổ xưa để tạo nét văn hóa độc đáo, đặc sắc; trước mắt, cần bố trí không gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm của miền quê Nam Đàn: nước chè xanh, khoai lang, rau lang, lạc, cơm lam, tương Nam Đàn… ; tổ chức biểu diễn các làn điệu dân ca xứ Nghệ, những bài hát về Bác… tại các nhà hàng xóm của Bác tại Kim Liên.
Thứ ba: Hàng năm vào dịp Lễ hội làng Sen cần tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại khu di tích như: hát ví - giặm Nghệ Tĩnh, thi thả diều, câu cá, thi ẩm thực…
Thứ tư: Phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại Kim Liên nói riêng, Nam Đàn nói chung để thu hút khách quốc tế: khuyến khích đầu tư phát triển trong dân theo mô hình du lịch và nghỉ tại nhà (homestay) để phục vụ nhu cầu khách du lịch và kéo dài thời gian lưu trú, tăng doanh thu từ du lịch; cử chuyên gia về du lịch hướng dẫn người dân đầu tư một số loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan làng quê, mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống...
Thứ năm: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về Khu di tích Kim Liên; kết nối các di tích, danh thắng, khu điểm du lịch trong huyện, trong tỉnh thành các tour khép kín; mở rộng khai thác đối tượng là các học sinh, sinh viên nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước và phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ.
Thứ sáu: Tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Khu di tích Kim Liên có chuyên môn sâu, có tinh thần trách nhiệm cao để làm tốt việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của khu di tích.
Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, ứng xử cho cộng đồng dân cư ở đây: thường xuyên thể hiện thái độ ân cần, niềm nở, thân thiện với khách, phải coi mỗi người khách đến với Kim Liên, Nam Đàn như người thân trở về nhà.
Khu di tích Kim Liên gồm nhiều điểm di tích: cụm di tích ở quê ngoại làng Hoàng Trù, nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngôi nhà tranh mộc mạc, đơn sơ nơi Người đã sống những năm 1901 - 1906 ở quê nội làng Sen; khu mộ bà Hoàng Thị Loan và nhiều di tích khác đã gắn liền với tuổi thơ của Người: núi Chung, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, giếng Cốc, Lò rèn cố Điền, nhà thờ cụ Cử Vương Thúc Quý… |
Đình Hà