Tuyên truyền theo nghĩa thông dụng là ”giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ, làm theo”. Theo một định nghĩa khác, ”Tuyên truyền là việc nêu ra các thông tin (vấn đề) với mục đích cho nhiều người biết nhằm đưa đẩy thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng mà người nêu thông tin mong muốn”.
Mục tiêu của tuyên truyền hiện đại không dừng lại ở thay đổi suynghĩ hay thái độ mà phải tạo hành động trong quần chúng. Tuyên truyền không chỉ lôi kéo cá nhân ra khỏi sự tin tưởng cũ mà cần phải làm cá nhân đó tin mù quáng vào suy nghĩ mới và đưa đến hành động có lợi cho thế lực tuyên truyền. Cá nhân bị tuyên truyền sẽ mất khả năng lựa chọn và phản xạ tự nhiên, và từ đó sẽ làm những hành động với sự tin tưởng không cần bằng chứng cụ thể.
Đối tượng của tuyên truyền là quần chúng nhưng phải là quần chúng có văn hóa và khả năng suy diễn. Tuyên truyền sẽ không có hiệu nghiệm nếu đối tượng thiếu học thức.
Những phương tiện tuyên truyền gồm có:
- Tin đồn truyền miệng. Năm 1927, Harold Lasswell - một trong những nhà nghiên cứu về tuyên truyền định nghĩa về tuyên truyền là "mục đích duy nhất là điều khiển ý kiến bằng biểu tượng, hoặc tuyên bố mạnh dạn nhưng không chính xác, bằng truyện kể, tin đồn, báo cáo, báo chí, hình ảnh và nhiều loại thông tin xã hội khác". Tin đồn thường bị xem là tin sai lạc (nguồn tin sai) hoặc tin nhảm (cố ý tung tin không thực từ chính quyền đến giới báo chí truyền thông).
Trong lĩnh vực dịch vụ nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng, tin đồn truyền miệng là một trong những kênh tuyên truyền có hiệu quả để khách hàng tin tưởng.
- Truyền đơn. Truyền đơn phát tay hay thả từ máy bay là phương pháp thông tin tuyên truyền hữu hiệu. Trong chiến tranh, truyền đơn được tung vào những nơi đông dân cư trong phần đất của phe đối địch với thông tin làm lung lạc ý chí hoặc kêu gọi dân chúng nổi dậy… Ngày nay, bằng phương pháp này, các tập gấp của điểm đến du lịch hay khách sạn được đưa đến tay khách hàng thông qua hội chợ hoặc các hội nghị, hội thảo.
- Bích chương và những biểu tượng nơi công cộng. Các bích chương, biểu ngữ, tranh cổ động... được dựng lên trưng bày lâu dài trên đường phố, công viên... với mục đích tuyên truyền về một điểm đến du lịch hoặc một dịch vụ nào đó nhằm tác động đến khách du lịch tiềm năng những ấn tượng đặc biệt trong tâm trí của họ và thúc đẩy hành động của họ tiêu thụ các dịch vụ và hàng hóa.
- Họp báo và thông cáo báo chí
+ Họp báo là một cuộc họp với các nhà báo được mời và một số khách mời có liên quan để công bố, tuyên bố những vấn đề quan trọng của tổ chức hay một doanh nghiệp nhằm tuyên truyền các thông tin về những vấn đề của sự kiện sẽ đưa đến công chúng, thông qua các phương tiện truyền thông. Ví dụ: khi tổ chức các sự kiện lớn, nhà tổ chức sự kiện thường tổ chức họp báo về sự kiện đó như: các cuộc thi Hoa hậu, Năm Du lịch, lễ khai trương du lịch biển, hay các cuộc thi đấu thể thao…
+ Thông cáo báo chí còn được gọi là Press Release, là bài viết mang thông tin chính thức của một doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, cá nhân… gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí. Nhờ đó các cơ quan truyền thông này giúp công ty, tổ chức… đưa tin về một sự kiện, chính sách, hoạt động hay kết quả nào đó mà công ty muốn công chúng biết. Thông cáo báo chí thường gắn với các sự kiện (khai trương, động thổ, tiệc mừng, giải thưởng, cuộc thi…) hoặc vấn đề xảy ra (thay đổi chính sách, hoạt động điểm đến du lịch…).
+ Quan hệ công chúng (Public Relations - PR) là việc một điểm đến du lịch chủ động các quan hệ giao tiếp cộng đồng để tạo dựng và giữ gìn một hình ảnh tích cực của mình. Điều này thường được tổ chức thông qua các hội chợ du lịch, các điểm đến không chỉ có gian hàng để trưng bày hình ảnh của mình mà còn tổ chức các cuộc thi hoặc trao đổi với công chúng.
- Báo chí, truyền hình, radio, internet. Các cơ quan truyền thông như: báo chí, truyền hình, radio và website đưa tin tức về điểm đến du lịch và các dịch vụ, hàng hóa của điểm đến tới công chúng hoặc khách hàng tiền năng của mình.
Quảng cáo. Theo từ điển Việt - Việt, quảng cáo được giải nghĩa là “Quảng cáo là sự trình bày, giới thiệu rộng rãi cho nhiều người biết nhằm tranh thủ được nhiều khách hàng”
Theo Luật Quảng cáo, “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”.
Như vậy, có rất nhiều các định nghĩa khác nhau về quảng cáo và từ đó cũng có rất nhiều phương tiện quảng cáo và bao gồm:
- Báo chí bao gồm báo in, báo nói (đài phát thanh), báo hình, báo điện tử và các trang thông tin điện tử
- Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác như gửi tin nhắn và thư điện tử (Email)
- Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác
- Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo
- Phương tiện giao thông
- Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hóa, thể thao
- Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo
Nguyên tắc chung của quảng cáo là:
+ Nguyên tắc chọn lọc
+ Nguyên tắc về tính độc đáo và đặc sắc
+ Nguyên tắc về tính thực tiễn
+ Nguyên tắc về tính trung thực
+ Nguyên tắc tạo ra những điều mới lạ
+ Nguyên tắc về tính liên tục
+ Nguyên tắc về tính nghệ thuật
+Nguyên tắc tính kinh tế
Xúc tiến du lịch (Tourism promotion) là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ du lịch, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hội chợ, triển lãm du lịch.
Mục đích của hoạt động xúc tiến du lịch nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Hoạt động này hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc điểm đến du lịch đạt hiệu quả hơn.
Khuyến mại được hiểu là sự kiện hoặc tập hợp các sự kiện/hoạt động tập trung của hơn một doanh nghiệp/tổ chức hoặc một chính sách/chương trình hành động nhằm xúc tiến hỗ trợ hoạt động bán hàng và làm tăng trưởng giao dịch thương mại.
Theo Luật Thương mại 2005 của Việt Nam, các hình thức khuyến mại bao gồm:
- Dùng thử hàng mẫu miễn phí: Đưa hàng hóa mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền
- Tặng quà: Tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền
- Giảm giá: Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ
- Tặng phiếu mua hàng: Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định
- Phiếu dự thi: Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố
- Các chương trình may rủi: Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố
- Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên: theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác
- Chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí: Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
Tất cả những hình thức này đều là những sự kiện mà doanh nghiệp thường sử dụng trong thực tế. Khi tổ chức các sự kiện khuyến mại, doanh nghiệp phải chấp hành những nguyên tắc cơ bản sau:
- Trung thực, công khai, minh bạch: Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.
- Không phân biệt đối xử: Không được phân biệt đối xử giữa các khách hàng tham gia chương trình khuyến mại trong cùng một chương trình khuyến mại.
- Hỗ trợ khách hàng: Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại phải bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho khách hàng trúng thưởng nhận giải thưởng và có nghĩa vụ giải quyết rõ ràng, nhanh chóng các khiếu nại liên quan đến chương trình khuyến mại (nếu có).
- Chất lượng hàng hóa, dịch vụ: Doanh nghiệp thực hiện khuyến mại có trách nhiệm bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.
- Không lạm dụng lòng tin: Không được lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để thực hiện khuyến mại nhằm phục vụ cho mục đích riêng của bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân nào.
- Cạnh tranh lành mạnh: Việc thực hiện khuyến mại không được tạo ra sự so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.
- Không khuyến mại thuốc chữa bệnh: Không dược dùng thuốc chữa bệnh cho người, kế cả các loại thuốc đã được phép lưu thông để khuyến mại.
Tất cả những vấn đề trên đều được các nhà quản trị điểm đến áp dụng một cách linh hoạt và sáng tạo với mục tiêu tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng cáo đạt kết quả tốt nhất.
Châu Anh