Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương là rừng đặc dụng đầu tiên ở Việt Nam được công nhận bởi các giá trị đa dạng sinh học cao của hệ sinh thái rừng mưa ẩm nhiệt đới thường xanh khá điển hình của khu vực phía Bắc. Ngoài các giá trị về đa dạng sinh học, đây còn là nơi có giá trị cảnh quan đặc biệt cùng những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, của đồng bào Mường, sống trong phạm vi VQG. Những giá trị này đã tạo nên sức hấp dẫn du lịch cao đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để du lịch VQG Cúc Phương phát triển.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay đứng từ góc độ bảo tồn là cuộc sống của cộng đồng người dân vốn còn nghèo và chủ yếu nhờ vào khai thác các giá trị rừng. Điều này đã tạo sức ép lớn cho hoạt động bảo tồn của các VQG nói chung và VQG Cúc Phương nói riêng.
TỪ MỘT DỰ ÁN
Để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho nhân dân vùng đệm VQG Cúc Phương đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, sức lực và nguồn vốn lớn. Với lợi thế về tài nguyên du lịch, VQG Cúc Phương cũng đã tìm ra những phương hướng cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu to lớn và lâu dài dựa vào lợi thế của mình. Đó là dự án: Hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, nâng cao đời sống cho nhân dân vùng đệm giảm áp lực có hại đến VQG Cúc Phương, giai đoạn 2001 - 2005. Dự án được tiến hành tại 4 điểm thuộc 4 huyện vùng đệm (Nho Quan, Yên Thủy, Lạc Sơn, Thạch Thành) - nơi mà cộng đồng địa phương nhìn chung còn giữ lại được nhiều nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Mường: nhà sàn, khung dệt thổ cẩm và lễ hội cồng chiêng...
Hình thức đầu tư của dự án:
- VQG Cúc Phương phối hợp với chính quyền địa phương các điểm trên hỗ trợ kinh phí cải tạo nâng cấp nhà ở của cư dân để tham gia đón và phục vụ khách du lịch.
- Cải tạo nâng cấp hệ thống điện nước sinh hoạt
- Cải tạo nâng cấp các tuyến đường quan trọng
- Hỗ trợ kinh phí khôi phục lại các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nuôi ong lấy mật, nuôi hươu, nai...
Mục đích của dự án:
- Cơ sở hạ tầng của cộng đồng nơi có dự án đầu tư sẽ được cải tạo một phần. Tạo điều kiện bước đầu cho sự phát triển của các ngành nghề sản xuất.
- Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân sẽ được cải thiện, trình độ dân trí sẽ được nâng cao từng bước, xóa đói giảm nghèo.
- Cộng đồng địa phương tại đây duy trì, giữ gìn được bản sắc dân tộc và các ngành nghề truyền thống, giải quyết được việc làm cho người lao động.
- Người dân được trao đổi thông tin và nâng cao hiểu biết, nhận thức được về công tác bảo tồn.
- Quan hệ giữa nhân dân, lãnh đạo địa phương với VQG được cải thiện từ đó làm tốt công tác bảo tồn tài nguyên môi trường, giảm bớt áp lực lên tài nguyên của VQG.
Doanh thu từ du lịch của dự án và VQG Cúc Phương đã hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo tồn, nâng cao nhận thức cho khách du lịch, có cơ hội đầu tư cho công tác bảo tồn. Tuy nhiên, những lợi ích này hầu như chưa có phần cho cộng đồng địa phương tại VQG, ngoài một phần kinh phí rất nhỏ cho câu lạc bộ nâng cao nhận thức bảo tồn do VQG thành lập với thành viên là cư dân địa phương, học sinh các trường phổ thông.
Bên cạnh đó, trong các tuyến du lịch hiện đang được sử dụng tại VQG Cúc Phương chỉ có duy nhất một tuyến liên quan đến văn hóa bản địa, nơi cộng đồng có thể tham gia vào hoạt động du lịch. Đó là tuyến du lịch Trung tâm Bống - Cây sấu đại thụ - sông Bưởi - thác Giao Thủy - bản Khanh, nơi có 100% người dân sinh sống là dân tộc Mường thuộc xã Ân Nghĩa - huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Cộng đồng địa phương sống tại đây vẫn còn lưu giữ được những nét đặc trưng văn hóa, những kiến thức bản địa phong phú như lễ hội cồng chiêng, uống rượu cần, dệt thổ cẩm, sử dụng guồng nước, đi mảng ở nhà sàn....
Hiện tại, toàn bộ bản Khanh có khoảng 25 hộ với gần 150 nhân khẩu, nhưng đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn do chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi, trung bình các hộ trước đây thường thiếu ăn 3 tháng trong năm. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của VQG cũng như chính quyền địa phương, một số dự án nâng cao đời sống cộng đồng thông qua việc cho các hộ vay vốn nuôi hươu, nuôi ong, dệt thổ cẩm, trồng rừng, trồng cây ăn quả đã được thực hiện và bước đầu thu được kết quả nhất định. Cũng từ đó, người dân nơi đây bắt đầu tiếp xúc với hoạt động du lịch thông qua Ban Du lịch của VQG Cúc Phương. Để giúp cộng đồng địa phương nơi đây tham gia vào hoạt động du lịch, Ban Du lịch VQG đã có những chính sách cụ thể như hỗ trợ vốn, trang thiết bị, sửa chữa đường... và có mối liên hệ thường xuyên qua trưởng thôn.
Tuy nhiên, đến nay bản Khanh chỉ có 4 hộ được đầu tư phục vụ khách du lịch thường xuyên. Mỗi nhà sàn phục vụ du lịch có thể phục vụ được 10 - 15 người, có khi trên 20 người. Các hộ còn lại gửi sản phẩm dệt thổ cẩm mật ong... để bán. Như vậy, doanh thu chính cho cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch là từ: dịch vụ lưu trú, phục vụ ăn uống là chính còn các nguồn thu từ bán hàng lưu niệm và các nguồn thu khác rất hạn chế. Trong chính sách của vườn đối với cộng đồng địa phương ở đây thì các hộ gia đình phục vụ khách lưu trú được hưởng 15.000đ/khách, các dịch vụ khác các hộ gia đình tự làm, tự cân đối, hàng tháng Ban Du lịch hỗ trợ cho quỹ an ninh của bản Khanh 50.000đ/tháng, phí bảo quản nhà sàn, trang thiết bị 10.000đ/tháng/gia đình.
Có thể nói, nguồn thu trên chưa đáng kể song đã phần nào thể hiện được những mặt tích cực, những hoạt động gián tiếp phục vụ cho hoạt động du lịch của cộng đồng địa phương tại đây, góp phần nâng cao hiểu biết của họ về du lịch. Đồng thời, duy trì được những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường không để mai một. Và đây cũng là một mốc lớn tạo ra nhiều kinh nghiệm không chỉ cho cộng đồng địa phương và Ban Du lịch VQG trong việc tổ chức cũng như những chính sách cho cộng đồng địa phương trong VQG và vùng đệm.
Trung bình bản Khanh phục vụ được khoảng 240 - 270 lượt khách/năm, chủ yếu là khách nước ngoài đến từ các nước: Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Sỹ, Hà Lan, Đan Mạch..., họ đi theo những nhóm nhỏ từ 3 - 5 người. Khách du lịch nội địa thường rất ít, do đường đi lại giữa trung tâm VQG và bản Khanh còn khó khăn.
Nhìn chung, cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch sinh thái tại VQG Cúc Phương tuy đã có những thành quả nhất định về cả kinh tế và xã hội nhưng nó vẫn chỉ dừng lại ở mức sơ khai, những tác động của du lịch đến văn hóa - kinh tế của cộng đồng là chưa nhiều, thái độ của người dân về du lịch đã được định hình nhưng còn mờ nhạt. Điều này hạn chế rất nhiều khả năng thu hút cộng đồng vào hoạt động du lịch.
Vấn đề cộng đồng địa phương với những lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại còn nhiều bất cập trong công tác quản lý và chính sách của VQG nên chưa thu hút khách du lịch tham gia vào chương trình này. Trong khi đó, sự tăng lên về số lượng khách và doanh thu hàng năm của VQG Cúc Phương là cơ sở đảm bảo sự tham gia của cộng đồng dân cư tại đây vào hoạt động du lịch sẽ đạt được hiệu quả cao. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để đảm bảo sự phát triển của hoạt động du lịch tại đây có thể giúp cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người nghèo có thể nâng cao mức sống và thu nhập của chính họ và gia đình họ nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của vườn quốc gia Cúc Phương nói riêng và của tỉnh Ninh Bình nói chung./.
LÊ THU HƯƠNG