Phát triển du lịch thông minh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa tỉnh Bến Tre
Hội thảo có sự tham gia và chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười; Giám đốc Sở KHCN Bến Tre Lâm Văn Tân; Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Tất Thành Trần Thị Hồng.
Thúc đẩy phát triển du lịch thông minh
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ, thảo luận các vấn đề về lý luận, thực tiễn. Từ đó mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại, phát huy tiềm lực đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững hoạt động du lịch; gắn kết phát triển mạnh mẽ các sản phẩm thương hiệu bản địa, tiến tới xây dựng thương hiệu địa phương hướng đến một Bến Tre xanh và phát triển bền vững. Đồng thời, góp phần đưa du lịch 3 huyện vùng biển Bến Tre ngày càng phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bến Tre. Qua đó, phục hồi, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch Bến Tre năm 2023 gắn với việc gìn giữ, phát huy, phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa, vùng ven biển phía Đông ở tỉnh Bến Tre.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở KHCN Bến Tre khẳng định, hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Bến Tre ngày càng phát triển bền vững, sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bến Tre vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Theo PGS.TS. Lâm Văn Tân, huyện Thạnh Phú là một trong 3 huyện duyên hải của Bến Tre, nằm ở cuối cù lao Minh với 26km bờ biển, có nhiều công trình mang dấu tích lịch sử, văn hóa. Huyện Thạnh Phú cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; tín ngưỡng dân gian vùng biển. Dưới sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), đặc biệt là sự phát triển mạnh việc ứng dụng của công nghệ thông tin vào phát triển sản phẩm du lịch, đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội bền vững, tạo lợi ích tương hỗ giữa du khách, chính quyền và doanh nghiệp du lịch tỉnh Bến Tre. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn huyện Thạnh Phú thời gian qua vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định. Chất lượng của hoạt động du lịch còn hạn chế, sản phẩm du lịch chưa phong phú; chưa có sự liên kết du lịch với các địa phương khác, với doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế.
“Bến Tre mong muốn nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các công ty du lịch, các nhà khoa học... về các giải pháp quy hoạch phát triển các loại hình du lịch của huyện; liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình du lịch; ứng dụng công nghệ số vào hoạt động du lịch; công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện Thạnh Phú” - PGS. TS. Lâm Văn Tân nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ, cùng với cả nước, thời gian qua Bến Tre đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc ứng dụng chuyển đổi số phục vụ phát triển du lịch. Các địa phương, doanh nghiệp đã tập trung triển khai ứng dụng CMCN 4.0 vào chiến lược quảng bá, truyền thông hình ảnh dịch vụ, sản phẩm du lịch biển Bến Tre. Những hoạt động ứng dụng vào thực tiễn đã gắn kết công tác nghiên cứu khoa học với hoạt động của địa phương, doanh nghiệp, tạo nên kết quả thiết thực. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đưa ra những định hướng, giải pháp triển khai thực hiện một cách đồng bộ, góp phần thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong việc phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre.
Du lịch thông minh vẫn cần có sản phẩm du lịch bản địa
Giám đốc Trung tâm Du lịch nội địa - Công ty Du lịch Bến Thành Cao Văn Tùng cho biết, chúng ta không thể phủ định du lịch thông minh đã đem đến thật nhiều lợi ích cho ngành Du lịch. Giờ đây, chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh, du khách có thể chuyển tải mọi thông tin của đường tour, tường thuật trực tiếp cho người ở nhà xem mọi hoạt động của mình trên các nẻo đường tour, phản ánh sinh động chất lượng dịch vụ tour… “Tuy nhiên, với tư cách một nhà tổ chức tour du lịch, tôi vẫn quan tâm đến sản phẩm du lịch tại từng địa phương, sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong việc tạo ra những sản phẩm chung, mang đặc thù khu vực. Điển hình như du khách cùng ngư dân trải nghiệm cào nghêu tại biển Cồn Bửng, huyện Thạnh Phú; các sản phẩm du lịch bản địa sẵn có của các huyện vùng biển thuộc tỉnh Bến Tre...” - ông Cao Văn Tùng bày tỏ.
Tại hội thảo, các tham luận, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch, kinh tế, kĩ thuật, công nghệ thông tin đã chia sẻ về các giải pháp ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh tại địa phương; định hướng phát triển du lịch biển Thạnh Phú gắn với du lịch nông nghiệp tỉnh Bến Tre. Các tham luận, ý kiến cho thấy cần tăng cường hơn nữa mối liên kết hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre với các công ty du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, hiệp hội du lịch TP. Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mối liên kết này càng chặt chẽ bao nhiêu thì lợi ích do ngành Du lịch đem lại cho địa phương sẽ ngày càng tăng lên bấy nhiêu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế cũng như khai thác hiệu quả các hoạt động văn hóa - xã hội huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tỉnh Bến Tre, các doanh nghiệp lữ hành, công ty truyền thông đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch biển huyện Thạnh Phú nói riêng và du lịch Bến Tre nói chung. Nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa các đơn vị tập trung vào phối hợp thực hiện hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và phát triển sản phẩm OCOP gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa tỉnh Bến Tre.
|
Trần Lợi