Những điểm nhấn trong tour về nguồn tại ATK Định Hóa
Đến nay Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa có 128 địa điểm di tích trong đó 15 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 108 điểm di tích đã xác minh định vị nhưng chưa xếp hạng, đang được đầu tư phục hồi, bảo tồn, tôn tạo. Trong chương trình du lịch về nguồn tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên, du khách trong nước và quốc tế có thể tham quan những điểm đến sau:
Địa điểm Bác Hồ ở, làm việc tại Tỉn Keo, thuộc thôn Tỉn Keo, xã Phú Đình; địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh ở, làm việc tại Phụng Hiển thuộc Thôn Đồng Vinh 3, xã Điềm Mặc; địa điểm thành lập Việt Nam giải phóng quân tại xóm Làng Quặng, xã Định Biên; di tích lịch sử cơ quan Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh; di tích lịch sử Nhà tù chợ Chu, tại xóm Vườn rau, thị trấn Chợ Chu; địa điểm thành lập Hội nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc; di tích lịch sử nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc, đặt Phủ chủ tịch đầu tiên ở ATK Định Hóa trên đồi Khau Tý năm 1947 tại xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc; di tích lịch sử nơi thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam (Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam), tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc; địa điểm thành lập Ủy ban kiểm tra Trung ương tại thôn Đồng Vinh, xã Điềm Mặc; địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu (20/10/1950) tại xóm Khau Diều, xã Định Biên; địa điểm Bác Hồ ở, làm việc tại Khuôn Tát, tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình; địa điểm đồi Pụ Đồn – nơi Chủ tich Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948) tại Nà Lọm, xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình; địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (1949), tại thôn Làng Luông, xã Bình Thành… Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan thác Khuôn Tát tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình Cả. Đây là ngọn thác đá thiên tạo 7 tầng như bậc thang nhà sàn, nằm trong tuyến du lịch di tích lịch sử, ATK Định Hóa - Tân Trào.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và các cơ quan, đơn vị một thời đứng chân trên địa bàn ATK trong thời kỳ kháng chiến đã trở lại đầu tư xây dựng và tôn tạo lại các di tích lịch sử kháng chiến. Đến nay, cơ sở hạ tầng vùng ATK đã có nhiều khởi sắc.
Cùng với việc tôn tạo các di tích, phát huy giá trị lịch sử cách mạng của các di tích tại ATK Định Hóa, để phát triển du lịch, chính quyền địa phương cùng với Ban Quản lý di tích cũng đã chú trọng tới việc giới thiệu bản sắc văn hóa vùng tới du khách trong nước và quốc tế. Gần đây, tại ATK đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng của địa phương đã được tổ chức tại ATK… Đồng thời, Ban Quản lý Di tích cũng đã quan tâm tạo sự liên kết giữa các tuyến, điểm di tích, điểm du lịch trong địa phương, gắn tham quan di tích lịch sử cách mạng với tham quan các danh lam thắng cảnh trong vùng.
Ngay sau khi ATK Định Hóa được công nhận là Khu di tích quốc gia đặc biệt, số lượng khách tham quan đã ngày một tăng lên. Năm 2014, ATK Định Hóa đón trên 3000 đoàn khách và 672.000 lượt khách tự do (tăng 600 đoàn khách và gần 100.000 lượt khách so với năm 2010). Con số này cũng phản ánh phần nào những nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như Ban quản lý ATK Định Hóa trong việc giới thiệu, quảng bá giá trị, hình ảnh của Di tích lịch cấp quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa đến với nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế. Bên cạnh việc nghiên cứu tài liệu, phục dựng những điểm di tích, sử dụng các công nghệ mới trong bảo tồn, tích cực sưu tầm các hiện vật có liên quan, Ban Quản lý di tích cũng đã chú trọng tới việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào địa phương trong việc bảo tồn di tích… Đồng thời, các hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan di tích cũng được cải thiện. Giá trị của khu di tích cùng với sự nhiệt tình, nồng hậu của đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên tại khu di tích và sự thân thiện, chân thành của người dân nơi đây đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong hành trình khám phá lịch sử - văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích đặc biệt quốc gia ATK Định Hóa, Thái Nguyên gắn với phát triển du lịch cũng còn nhiều hạn chế. Ở khía cạnh tích cực, du lịch góp phần quảng bá những giá trị đặc trưng của di tích đến với công chúng, tăng cường nguồn lực để tái đầu tư bảo tồn di tích, tạo việc làm cho nhiều người, đặc biệt là người dân sở tại. Ở khía cạnh khác, du lịch càng phát triển càng tạo sức ép lên di tích: lượng người tăng sẽ nảy sinh vấn đề ô nhiễm môi trường, sự xâm hại di tích do tác động của con người... Di tích ATK Định Hóa cũng không phải là ngoại lệ. Hơn nữa, ATK Định Hóa cũng chưa phát huy được hết tiềm năng để phục vụ phát triển du lịch. Nguồn lực đầu tư để bảo tồn di tích còn hạn chế. Hệ thống di tích đang trong quá trình được phục dựng, tôn tạo nên chưa đồng bộ và còn đơn điệu. Vì ATK nằm ở vị trí giữa rừng núi hiểm trở nên khó khăn trong việc đi lại. Muốn thu hút khách tham quan, lưu chân du khách ở lại qua đêm thì cần tổ chức thêm nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa hơn nữa. Đặc biệt, bên cạnh giá trị lịch sử cách mạng, cần tiếp tục khai thác giá trị văn hóa đặc sắc của vùng Việt Bắc để tăng thêm tính hấp dẫn.
Để có thể khai thác tiềm năng của Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên gắn với phát triển du lịch, các cấp, các ngành đặc biệt là ngành văn hóa, Ban Quản lý khu di tích cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, cần có lộ trình bảo tồn một cách khoa học, bền vững giá trị khu di tích gắn kết với phát triển du lịch; sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa cùng với ATK Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) và ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), tạo cơ sở để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển, khai thác triệt để tiềm năng du lịch sẵn có tại các địa phương.
Hai là, các cơ quan nghiên cứu, quản lý, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật để xây dựng dự án trưng bày bổ sung tại các điểm di tích đặc biệt quan trọng, nhằm tạo thêm sự sinh động, hấp dẫn du khách.
Ba là, việc bảo tồn, tôn tạo di tích ở ATK Định Hóa nhất thiết phải gắn với bảo tồn không gian di tích, kết hợp với việc nghiên cứu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể để biến những giá trị đó thành sản phẩm du lịch đặc thù.
Bốn là, nhằm phát huy giá trị di tích có hiệu quả, Thái Nguyên cũng cần hình thành các tour, tuyến du lịch khoa học, sinh động để níu chân du khách khi đến ATK Định Hóa bằng các sản phẩm du lịch lợi thế như: cảnh quan, sản vật, ẩm thực địa phương; đồng thời xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tốt, có đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách.
ThS. Bùi Thanh Tâm
(Tạp chí Du lịch)