Du lịch Thái Nguyên cần có sự liên kết với các vùng lân cận để tạo ra những hình thức du lịch mới tạo sự thu hút và níu chân khách du lịch lưu trú dài ngày hơn trên địa bàn. Việc liên kết du lịch này cần có sự tương đồng về tài nguyên cũng như sự thuận lợi và liên thông trong các cung đường di chuyển, hệ thống giao thông thuận lợi. Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng trung du, miền núi phía Bắc vì thế có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa lý, về văn hóa phong tục cũng như các danh lam thắng cảnh, lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm với hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, lại nằm trong cung đường thuận lợi kết nối thị trường nguồn từ Hà Nội lên Cao Bằng, Lạng Sơn và hướng hút khách Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế ở Lạng Sơn, Cao Bằng về khu vực Hà Nội và phụ cận. Vì thế, việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa Thái Nguyên với Lạng Sơn và Cao Bằng là phù hợp và cần thiết để thúc đẩy du lịch các tỉnh cùng phát triển.
Thời gian qua, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng đã có các hoạt động tăng cường liên kết hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong vùng Việt Bắc. Nhiều tour du lịch, sản phẩm du lịch quan trọng đã được mở ra từ những liên kết này nối các điểm du lịch trong những sản phẩm chuyên đề, ví dụ như tìm hiểu “miền di sản Việt Bắc” dọc các tỉnh thuộc chiến khu Việt Bắc, hay kết nối các điểm tham quan bảo tàng ở Hà Nội với các điểm di tích cách mạng ở Thái Nguyên, khu di tích lịch sử Tân Trào ở Tuyên Quang giúp cho khách có được những tìm hiểu sâu sắc hơn về các giá trị lịch sử - cách mạng của dân tộc. Năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cũng xác định chủ đề công tác là “Liên kết phát triển du lịch - động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc” nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả liên kết trong phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội bền vững vùng Tây Bắc.
Tuy Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng đã khởi động các hoạt động hợp tác nhưng chưa có sự liên kết mang tính hệ thống mà mới dừng lại ở một số hoạt động chưa thực sự xâu chuỗi tạo nên tuyến du lịch hấp dẫn khách. Vì thế, để phát huy thế mạnh tương đồng về tài nguyên và các điều kiện phát triển khác 3 tỉnh có thể liên kết tạo thành tuyến, điểm liền mạch nhằm phục vụ phát triển du lịch. Các nội dung hợp tác, liên kết cần tập trung vào phát triển sản phẩm và xây dựng tour, tuyến du lịch; xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và phát triển thị trường; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; trao đổi kinh nghiệm quản lý về du lịch.
Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng có lợi thế để phát triển các tour tìm hiểu truyền thống cách mạng, du lịch cộng đồng hay du lịch sinh thái. Ba tỉnh đều là nơi ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ dựng nước và giữ nước, với những dấu tích lịch sử còn để lại như thành nhà Mạc, khu di tích ATK – Định Hóa, chiến khu Pác Pó. Đây chính là nguồn tài nguyên phục vụ cho việc phát triển những tour lịch sử tạo nên sự kết nối giữa các tỉnh với nhau. Nằm trong vùng trung du, miền núi nên địa hình của ba tỉnh đều tương đồng với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều hang động huyền bí, thu hút sự khám phá của du khách với những tour sinh thái, nghỉ dưỡng hay tour khám phá. Đây là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người như người Tày, Dao và người Hoa, mỗi dân tộc với những đặc trưng văn hóa khác nhau, là điểm thu hút khách đến trải nghiệm và khám phá cuộc sống, văn hóa cũng như về phong tục tập quán.
Để liên kết hiệu quả cũng cần xác định lợi thế về tiềm năng du lịch của từng tỉnh từ đó liên kết với nhau nhằm tạo ra thế độc quyền về sản phẩm du lịch cho mỗi tỉnh và các sản phẩm du lịch liên kết nhằm tạo ra tiếng nói chung và sự thống nhất về tuyến và tour du lịch. Thái Nguyên với thế mạnh và điểm nhấn là du lịch về nguồn với việc tìm hiểu các di tích lịch sử - cách mạng, di tích lịch sử văn hóa cũng như sự đặc sắc trong các lễ hội và nghệ thuật dân gian truyền thống giúp tỉnh phát triển mạnh về du lịch tìm hiểu nghệ thuật truyền thống và du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề. Cao Bằng tiếp nối sản phẩm này và có sản phẩm đặc thù về danh thắng thác nước và du lịch sinh thái hang động, du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch cộng đồng. Lạng Sơn với thế mạnh về du lịch tâm linh, du lịch cửa khẩu và sinh thái hang động. Về kết nối giao thông, Thái Nguyên có thể mạnh về tuyến giao thông kết nối với thủ đô Hà Nội, có thể kéo thị trường khách du lịch cuối tuần và kết nối lên các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngược lại, Cao Bằng và Lạng Sơn có thể kéo khách du lịch quốc tế đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc đến với Thái Nguyên để tăng nguồn khách du lịch quốc tế cho tỉnh Thái Nguyên cũng như các tỉnh phụ cận Thái Nguyên như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…
Các hướng kết nối giao thông để liên kết các tỉnh khá thuận lợi, qua quốc lộ 3 và quốc lộ 1. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiên cứu việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối các tỉnh Đông và Tây Bắc, trên cơ sở đó sẽ hình thành một số trục giao thông mới.
Như vậy mỗi tỉnh đều có những thế mạnh riêng về sản phẩm du lịch đặc trưng và những sản phẩm có khả năng liên kết chung và những hướng kết nối thuận lợi về giao thông. Có thể xem xét một số hướng kết hợp sản phẩm như sau:
- Du lịch về nguồn: thăm khu di tích đặc biệt ATK – Định Hóa (Thái Nguyên) - chiến khu Pắc Pó (Cao bằng); khu di tích khảo cổ Thần Sa – Võ Nhai (Thái Nguyên) – hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn); di tích ATK – Định Hóa (Thái Nguyên) – thành nhà Mạc (Lạng Sơn) – chiến khu Pắc Pó (Cao Bằng).
- Du lịch tâm linh: Thái Nguyên – Lạng Sơn; Thái Nguyên – Cao Bằng; Cao Bằng – Lạng Sơn;
- Du lịch sinh thái: Lạng Sơn – Cao Bằng; Lạng Sơn - Thái Nguyên; Thái Nguyên – Cao Bằng; Thái nguyên – Cao Bằng – Lạng Sơn
- Du lịch cộng đồng: bản Quyên, di tích lịch sử ATK – Định Hóa (Thái Nguyên) – bản Pác Rằng, di tích Pắc Pó (Cao Bằng); DLCĐ tại làng nghề chè Tân Cương, làng nghề dao Phúc Sen, bản Pác Rằng (Cao Bằng); làng nghề ngói âm dương, xã Quỳnh Sơn (Lạng Sơn) – làng nghề chè Tân Cương, làng nghề dệt mành cọ…
- Nghỉ dưỡng cuối tuần: Thái Nguyên – Lạng Sơn; Lạng Sơn – Cao Bằng; Thái Nguyên – Cao Bằng
- Tìm hiểu văn hóa lịch sử: tìm hiểu di tích ATK – Định Hóa (Thái Nguyên) – du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn, an toàn khu cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn); an toàn khu cách mạng Bắc Sơn – bản Pác Rằng, di tích Pắc Pó (Cao Bằng).
- Thưởng ngoạn thiên nhiên: khu du lịch Hồ Núi Cốc, hang Phiêng Tung, thác bẩy tầng, suối Mỏ Gà (Thái Nguyên) – núi Mẫu Sơn, các hang động Tam Thanh, Nhị Thanh (Lạng Sơn); khu du lịch Hồ Núi Cốc, hang Phiêng Tung, thác bẩy tầng, suối Mỏ Gà (Thái Nguyên) – thác bản Giốc, động Ngườm Ngao (Cao Bằng).
Về công tác xúc tiến quảng bá, để có thể liên kết hiệu quả, các tỉnh cần có sự trao đổi về kế hoạch triển khai công tác xúc tiến quảng bá hàng năm, trên cơ sở đó, xác định các hoạt động có thể kết hợp thực hiện, tập trung vào việc giới thiệu những sản phẩm liên kết, đồng thời tiết kiệm chi phí xúc tiến quảng bá. Một số sự kiện hội chợ ngoài nước với chi phí cao việc liên kết tham gia xúc tiến chung là giải pháp hiệu quả và cần thiết.
Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong các tỉnh nằm trong mối liên kết. Việc thực hiện các khóa đào tạo, tập huấn chung về kiến thức quản lý nhà nước về du lịch và các kiến thức nghiệp vụ nghề sẽ mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí và nguồn lực, đồng thời đảm bảo sự đồng đều về chất lượng nguồn nhân lực tham gia thực hiện các sản phẩm trong quá trình liên kết phát triển sản phẩm du lịch.
Cuối cùng, những kinh nghiệm trong công tác quản lý du lịch và phát triển sản phẩm của mỗi địa phương cần được trao đổi, học tập lẫn nhau thông qua các buổi tọa đàm, tập huấn để có được những thành công ngày một lớn mạnh hơn trong quá trình liên kết của các năm tiếp theo.
Để tạo sự liên kết vững mạnhcho phát triển du lịch các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng thì các cấp và ngành của mỗi tỉnh cần phải có những chính sách mới tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, đặc biệt là việc tạo ra hành lang thông thoáng cũng như tranh thủ vốn đầu tư để phát huy các thế mạnh và thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó việc hệ thống hóa, xây dựng thêm mới những cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng là điều kiện thiết yếu để thu hút khách đến với các tỉnh, đồng thời tạo sự đồng bộ về cơ sở vật chất và kỹ thuật của các tỉnh tránh sự phát triển thiếu cân đối, đặc biệt là sự hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ du lịch tại tỉnh Cao Bằng cần nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ hai tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn nhất là thông qua liên kết, hợp tác tranh thủ được nguồn lực để phát huy cơ sở vật chất của mình.Bên cạnh đó đó còn là sự nỗ lực của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn và cộng đồng cư dân địa phương nơi diễn ra hoạt động du lịch. Đây là những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của việc liên kết du lịch.
TS. Đỗ Cẩm Thơ
CN. Đào Hồng Thuý
(Tạp chí Du lịch)