Tổ chức bảo vệ và bảo tồn
Ngành du lịch đóng góp tích cực tới bảo vệ môi trường, bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngành du lịch cũng có tác động tích cực đối với việc bảo tồn động vật hoang dã như ở một số vùng châu Phi, Nam Mỹ, châu Á, châu Úc và Nam Thái Bình Dương. Nhiều quốc gia đã thành lập các khu bảo tồn hoang dã và thực hiện điều luật bảo vệ động vật. Kết quả là một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng đã được cứu sống.
Grupo Punta Cana ở Cộng hòa Dominica là một ví dụ về phát triển du lịch cao cấp kết hợp với bảo tồn. Khu nghỉ dưỡng được xây dựng với mục đích phục vụ khách du lịch cao cấp trong khi vẫn tôn trọng cư dân tự nhiên của Punta Cana. Các nhà đầu tư đã dành 10.000ha cho vườn cây với các giống cây trồng bản địa. Khu bảo tồn tự nhiên Punta Cana gồm một khu rừng á nhiệt đới với 11 dòng suối thiên nhiên và nhiều loài đặc thù của hệ sinh thái tự nhiên Caribê. Các chính sách bảo vệ môi trường có hiệu lực tại khu nghỉ dưỡng như chương trình bảo vệ rạn san hô và tái sử dụng nước thải để tưới cây. Các giống cỏ lai được trồng tại các sân golf có thể tưới bằng nước biển. Loại cỏ này chỉ cần dùng một nửa lượng thuốc trừ sâu và phân bón.
Bảo vệ môi trường bằng cách tạo việc làm cho cộng đồng
Trường Eco - Escuela de Espanol, dạy tiếng Tây Ban Nha, được thành lập năm 1996 là một phần trong dự án bảo tồn quốc tế ở khu làng San Andes (Guatemala) là một ví dụ. Trường học thuộc sở hữu của cộng đồng địa phương, nằm trong khu bảo tồn sinh quyển Maya, bao gồm khóa học ngoại ngữ và cơ hội ở nhà dân, du lịch sinh thái cộng đồng. Trường đón 1.800 du khách mỗi năm, chủ yếu là từ Mỹ và châu Âu, tạo việc làm cho 100 cư dân, mà 60% trong số đó là những người trước đây làm nghề khai thác gỗ trái phép, săn bắn, đốt nương làm rẫy. Báo cáo giám sát năm 2000 cho thấy trong số các gia đình được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh này phần lớn đã giảm hoạt động săn bắn và đốt nương làm rẫy. Thêm nữa, những hộ gia đình trong làng phần lớn được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ ngôi trường khiến cho áp lực của cộng đồng đối với việc săn bắn động vật ở đây đã giảm hẳn.
Lồng ghép hoạt động du lịch với giáo dục môi trường
Quan sát loài vượn hoang dã và bán hoang dã trong môi trường sống là cơ hội giáo dục môi trường có ý nghĩa cho nhiều khách du lịch nội địa. Tại khu quan sát vượn lớn Bohorok (Indonesia), nhà ga ở Bohorok đã chuyển thành trung tâm quan sát, do vậy đã tạo cơ hội bảo tồn bền vững cho hệ sinh thái nhiệt đới. Thông qua việc quan sát vượn, khách du lịch được trải nghiệm đời sống hoang dã và hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới. Điều này làm tăng nhận thức của du khách đối với bảo tồn rừng nhiệt đới. Hơn nữa, hoạt động du lịch đóng góp nguồn thu cho dân cư địa phương, qua đó thúc đẩy khai thác rừng bền vững như là sự thay thế thực sự cho việc khai thác gỗ và săn bắn, buôn bán động vật hoang dã.
Xây dựng các quy định trong hoạt động du lịch
Các quy định điều chỉnh góp phần làm giảm tác động tiêu cực, kiểm soát các hoạt động của khách du lịch và sự di chuyển của khách trong khu bảo vệ có thể làm giảm tác động tới hệ sinh thái và duy trì sự sống trong khu vực. Chiến lược này đã được sử dụng tại đảo Galapagos. Tại đó, số lượng tàu tham quan tới hòn đảo xa được hạn chế và chỉ có một số lượng đảo nhất định được dành cho khách du lịch đã góp phần làm giảm tác động tới hệ sinh thái và động thực vật tại đây.
Tại Hawai, các quy định và điều luật đã được xây dựng, quy định việc bảo vệ rừng mưa nhiệt đới trên đảo và bảo vệ các loài động vật bản địa. Trong đó, việc bảo vệ rạn san hô quanh đảo và hệ sinh thái biển phụ thuộc vào rạn san hô để sinh tồn có ý nghĩa quyết định đến hoạt động du lịch ở nơi đây.
Huy động nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường
Hãng điều hành tour Discovery Initatives là thành viên của “Sáng kiến phát triển bền vững của các hãng điều hành tour”, hàng năm đã đóng góp 45.000USD cho quỹ Orangutan. Khoản tiền này thu được từ phí tham quan vườn quốc gia Tanjing Putting (Indonesia) sau đó tài trợ trực tiếp cho nhân viên và người bảo vệ rừng, những nỗ lực tái định cư cho người dân địa phương.
Quần đảo Scheylles ở Ấn Độ Dương áp dụng mức thuế 90USD đối với du khách; khoản thu này dùng cho hoạt động bảo vệ môi trường và cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch.
Khu West Virgina (Mỹ), đánh thuế vào hoạt động làm bè đối với du khách tham gia vào tour du lịch. Phí thu được dành cho hoạt động nghiên cứu tác động môi trường của hoạt động đóng bè.
Ở Belize - một quốc gia nằm ở trung tâm châu Mỹ quy định thuế xuất cảnh 37,5 USD/người. Số tiến này được dành cho quỹ bảo tồn khu vực cấm nhằm bảo vệ rạn san hô và rừng nhiệt đới.
Tại Costa Rica, 25% diện tích quốc gia được Chính phủ xếp vào khu vực cần bảo tồn. Năm 1999, các khu vực bảo tồn này đón 866.083 khách du lịch, thu về 2,5 triệu USD từ tiền vé vào cửa.
Tại khu vực hồ Lớn (châu Phi), khỉ núi - một loại linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng hiện còn 38 cá thể có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái và kinh tế của vùng đất này. Loài khỉ này cư trú tại vùng biên giới phía Tây Bắc Rwanda, phía Đông Cộng hòa Congo và Đông Nam Uganda. Các công ty du lịch ở khu vực này đã thiết lập tour quan sát đời sống của khỉ núi. Theo tính toán, đường mòn quan sát khỉ núi với giá vé là 250USD/tour/khách đã đem về 3 triệu USD mỗi năm và mỗi con khỉ núi đáng giá 90.000USD với riêng Uganda. Nguồn doanh thu từ hoạt động du lịch này đã đảm bảo cho loài động vật quan trọng được bảo vệ, qua đó giữ gìn được giá trị sinh thái, nguồn nước và nguồn tài nguyên cho cộng đồng địa phương.
LÊ HẢI