Khi bước vào gian trưng bày đồ gỗ phục chế và trang trí theo lối cổ của người Hà Nội, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những bức tranh, những pho tượng được chạm khắc từ gỗ lũa. Sản phẩm gỗ lũa trông rất tinh xảo, vừa đẹp mắt, hấp dẫn lại vừa độc đáo đến lạ thường; được hình thành từ rễ hoặc thân của các loài cây có thân lõi cứng, khi cây chết đi đã bị bào mòi bởi những mạch nước ngầm và thời gian.
Chính nhờ sự tàn phai của năm tháng đã để lại những phần lõi cứng nhất với đủ các loại hình thù khác nhau tạo ra một vẻ đẹp độc đáo khó trộn lẫn. Từ đó, các nghệ nhân đã tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau như: bàn ghế, đôn, tượng... Qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân những bức tượng gỗ lũa dường như đã được thổi hồn . Mỗi bức tượng một vẻ chẳng giống nhau. Nhờ vậy mà tượng gỗ lũa càng trở nên quý hơn.
Đến đây, du khách còn được ngắm nhìn các sản phẩm dùng trong gia đình như sập gụ, tủ chè, bàn ghế, gường tủ… và cách trưng bày đồ gỗ theo phong cách của người Việt Nam, đặc biệt là người Hà Nội xưa. Thấy chúng tôi say sưa trước gian phòng lộng lẫy trưng bày những pho tượng gỗ lũa, sập gụ, tủ chè được khảm trai, ốc một cách tinh xảo, ông Nguyễn Văn Dư, chủ nhân của gian đồ gỗ liền tới trò chuyện rất cởi mở về những sản phẩm gỗ lũa quý hiếm. Được biết, sản phẩm gỗ lũa của ông không những được mời trưng bày ở thành cổ mà còn ở Bảo tàng Lịch sử và nhiều nơi khác.
Đến thành cổ Hà Nội, du khách còn được ngắm nhìn tận mắt những cổ vật bằng đồng, đá, gốm, sứ, đồ gỗ của nhiều niên đại mà ta khó có thể tìm thấy ở nơi khác. Qua đây, du khách có cơ hội hiểu thêm về di sản văn hóa của người Việt Nam, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
TUYẾT MINH