Sáng hôm sau, hai ông cháu tôi lên tàu hỏa ở ga Hàng Cỏ và cập bến ở ga Tía (Thường Tín, Hà Đông). Rồi từ ga Tía, phải đi bộ chừng 5 - 6 cây số nữa, mới tới làng tôi.
Ông nội nói: “Làng mình có tên là Bộ Đầu, ở trong một chuỗi làng có những cái tên rất dân gian: Dấp, Nghệ, Mui, Giành, Trằm, Đừng… Làng mình có chùa Lý, chùa Giữa, cầu Nghè, đền Thánh, cây gạo cổ thụ… Còn người cháu sắp gặp là bố của ông, cháu phải gọi bằng cụ, xưng chắt. Năm nay cụ đã trên 90 tuổi rồi. Cháu nhớ là khi về làng, gặp ai cũng phải chào.”.
Lần đầu tiên, tôi được nhìn thấy cây đa, giếng nước, sân đình lẫn cánh cò trắng bay và được thưởng thức món giò xào, món nem thính quê nhà. Với tôi, quê hương là một cái gì thật giản dị, thật gần gũi, thật ấm áp, thân thương…
Ở quê, tôi được gặp một người tóc râu tuy bạc như cước, nhưng da dẻ vẫn còn hồng hào, cười nói vẫn rất vui và đẹp như một ông tiên. Người ấy là cụ tôi. Cụ tôi hỏi tôi đôi câu, rồi móc từ túi ra một tờ giấy bạc màu xanh và nói: “Đây, cụ mừng tuổi cu chắt của cụ nhé. Chúc chắt khỏe mạnh, ăn ngon, chóng lớn!”
Việc này xảy ra đã trên nửa thế kỷ, mà cho đến giờ, khi đã vào tuổi sáu mươi, tôi vẫn còn ấn tượng mãi. Ấn tượng nhất là hai từ “mừng tuổi” của một người đã rất cao tuổi .
2. Không ngờ chỉ ba năm sau, mùa xuân Ất Tỵ (1965), tôi được đón một tết quê đích thực.
Ấy là mùa xuân đầu tiên, tôi và ba cậu em nữa theo ông nội, bà nội đi sơ tán.
Tôi nhớ mãi chiều ba mươi tết năm ấy, tụi nhỏ chúng tôi được phân công đi vặt búp ổi (để làm dồi) và rửa lá dong (chuẩn bị gói bánh chưng) trong khi người lớn lo làm thịt lợn, đãi gạo, đãi đỗ…
Quê tôi thường gói bánh chưng vào buổi tối, sao cho trước giao thừa chừng 2 – 3 giờ là bắc nồi lên và khởi lửa… Trong khi gói bánh chưng, bao giờ người lớn cũng gọi thêm cho trẻ con mỗi đứa một cái bánh chưng nhỏ và được đánh dấu bằng những sợi lạt để dễ phân biệt.
Ông nội tôi bảo: “Bánh chưng là món chính của ngày tết. Hết bánh chưng là hết tết. Chính vì thế mà nhà nào, nhà nấy đều tập trung vào nồi bánh chưng. Có nhà dành đến hai yến gạo, dăm cân đỗ để gói bánh chưng. Còn nhiên liệu để luộc bánh chưng là những gốc cây, những gốc tre khô được gom nhặt từ trước tết rất lâu. Tết ở mình vẫn là sự tích cóp, dành dụm, gom nhặt đấy, các cháu ạ. Tuy vậy cũng vui, vì mọi người sẽ luôn có cảm giác được đón xuân từ rất sớm.
Đêm ba mươi là đêm rất khó ngủ. Chúng tôi nhìn ra sân, hướng về nơi có ánh lửa bếp bập bùng, chỉ mong chóng sáng để được ăn chiếc bánh chưng vào đúng ngày đầu tiên của năm mới.
Và bao giờ, sau giao thừa ít giây là ông nội tôi lại mừng tuổi cho các cháu bằng những đồng tiền mới tinh, còn thơm mùi giấy mực và không một nếp gấp.
3. Năm 1973, khi mười tám tuổi, cùng chúng bạn, tôi nhập ngũ.
Xuân Giáp Dần, lần đầu tiên, tôi đón một cái tết xa nhà trong quân ngũ tại một bản ở Mường Chùa (Hòa Bình), cách Hà Nội chừng 80 – 85 cây số.
Lần đầu tiên, chúng tôi tiếp xúc với người Mường và biết thế nào là “cơm đồ, nước vác, trâu gõ mõ, chó leo thang”, là “quần một ống, áo một gang”, là “hút thuốc lào đoàn kết”, là “nhái om măng”,…
Lần đầu tiên, chúng tôi biết thế nào là khí hậu khắc nghiệt của một tỉnh miền núi. Một ngày một đêm vào mùa đông, rất dễ nhận ra sự thay đổi khác thường của thời tiết. Có đêm trời lạnh đến nỗi nước có thể đóng thành những hạt băng li ti.
Tại đây, chúng tôi đã được đón một mùa xuân đơn giản và ấm áp tình quân dân.
Còn nhớ đêm giao thừa, đại đội tôi đã quần tụ bên nhau dưới một mái nhà sàn ngập tràn ánh lửa. Chúng tôi hát, đọc thơ, chơi trò chơi “hái hoa dân chủ” và rồi uống rượu cần thật vui vẻ. Mấy ngày tết, đơn vị tôi được “ăn tươi”, có “thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, câu đối đỏ” và có cả hoa đào núi nữa. Có mấy cô dân quân đến vui xuân với chúng tôi.
Anh chính trị viên đại đội nói, tôi chúc các đồng chí khỏe, lạc quan, yêu đời và chuẩn bị tinh thần lên đường đi B (chiến trường miền Nam) sau khi ăn tết xong. Tôi tin khi nước nhà thống nhất, chúng ta sẽ có những mùa xuân sum họp với đúng nghĩa của nó. Ngày ấy, chắc chắn là rất vui. Chúng ta hãy cùng nhau hy vọng!”
Rồi chính trị viên mừng tuổi chúng tôi bằng những điếu thuốc lá Tam Đảo bao bạc.
4. Cuối năm 1974, sau trận đánh ở cù lao Hàm Tân, vì bị thương ở chân, tôi phải về điều trị tại một trạm xá ở huyện Cầu Kè, Trà Vinh – quê hương của nữ anh hùng Út Tịch (đã được xây dựng thành hình tượng văn học trong tác phẩm “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi).
Vào buổi chiều (ba mươi tết), có một người trông thật thư sinh và lịch lãm đến chỗ chúng tôi. Anh nói anh tên là Phùng Đăng Bách – người Hà Nội – phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn Xã tại chiến trường miền Tây Nam Bộ, đi B từ đầu năm 1974, có nhu cầu tìm đồng hương. Nghe nói ở đây có cậu Giang là lính của Đ1 (trung đoàn 1), quân của Trung đoàn trưởng Phạm Văn Trà (sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), đang có mặt ở đây. Tôi nói vui vẻ: “Em là Giang đây, nhà ở đường Nam Bộ. Tốt nghiệp lớp 10 xong thì nhập ngũ. Còn anh ở đâu?” Anh Bách cũng nói vui vẻ: “Mình ở phố Thi Sách. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp được phân công làm phóng viên chiến trường”.
Đây là một cuộc gặp gỡ hiếm hoi, trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt của hai người Hà Nội, không dễ lặp lại trong đời.
Sau khi ăn chung một bữa cơm chiều có cá kèo kho, canh rau lang, chúng tôi mời anh Bách ở lại đón giao thừa tại trạm xá. Ban đầu, anh còn ngần ngừ, định trở lại đơn vị ngay trong buổi tối hôm đó. Sau, nhờ sự nhiệt tình của chúng tôi, anh quyết định ở lại.
Mới có 11h đêm mà pháo đã nổ ran ran. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, một bệnh binh người Nam Bộ giải thích: “Thời khắc giao thừa rồi đó. Từ lâu, giờ ở Sài Gòn vẫn sớm hơn giờ ở Hà Nội một tiếng”.
Ấy là giao thừa xuân Ất Mão, xuân cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
5. Đến xuân năm Quý Tỵ (2013), nhà tôi có thêm một niềm vui lớn và tôi gọi đây là “điều kỳ diệu”: nhà tôi có một đứa cháu ngoại và vợ chồng tôi được “lên chức” ông ngoại, bà ngoại.
Nhờ có cháu ngoại, tôi càng nhận ra trẻ con thật là kỳ diệu. Nhờ có trẻ con, tôi đã viết được bài thơ “Học trẻ con”, trong đó có câu: Tôi ngồi chữa vết thương người lớn/ Bằng phương thuốc thần kỳ mang tên “học trẻ con”. Tôi cũng nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ “Những đứa trẻ chơi trước cửa đền” của thi sĩ Thi Hoàng: Chợt ngẫm thấy trẻ con là giỏi nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai.
Với tôi, hai từ “mừng tuổi” thật đáng nhớ và có nhiều ý nghĩa. Với trẻ con là mừng chóng lớn. Với người già là mừng tuổi thọ. Còn với mọi người nói chung là mừng thêm tuổi. Và hai từ này, chỉ được người ta dùng vào dịp mỗi khi tết đến, xuân về mà thôi.
Đặng Huy Giang
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)