
Vùng ven biển, do đó, là nơi tập trung đông dân cư và phần lớn cơ sở hạ tầng của cả nước. Tuy nhiên, cộng đồng sinh sống tại những khu vực này lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm kế sinh nhai. Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên chủ yếu do việc khai thác quá mức làm cạn kiệt nguồn lợi ven bờ.
Các cộng đồng sống phụ thuộc vào nguồn lợi đất ngập nước ở Nam Định (một tỉnh ven biển đồng bằng Bắc bộ) và rạn san hô ở Khánh Hoà (Trung bộ) đang đối mặt những vấn đề nói trên. Trong khi đó, họ chưa đủ năng lực quản lý hiệu quả nguồn lợi ven bờ cũng như thiếu khả năng tổ chức có thể giúp phát huy quyền làm chủ, mở ra những cơ hội hưởng lợi từ nguồn tài nguyên phong phú trên chính quê hương mình.
Phát triển một sinh kế bền vững tại các địa phương này, bổ sung dẫn tới thay thế việc khai thác nguồn lợi ven biển, hỗ trợ công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan ven bờ được Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đặt làm mục tiêu chính cho chương trình phát triển cộng đồng của tổ chức. Trong bối cảnh đó, du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCĐ) với các tiêu chí về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, văn hoá và sự tham gia tích cực của cộng đồng, được xem là sinh kế phù hợp, có thể hỗ trợ đắc lực cho các mục tiêu trên.
Thành công ban đầu của mô hình DLSTCĐ thí điểm tại xã Giao Xuân (Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, tỉnh Nam Định) và xã Vạn Hưng khu bảo tồn biển (KBTB) Rạn Trào, tỉnh Khánh Hoà sau 01 năm xây dựng đã khẳng định tính đúng đắn của các hoạt động phát triển cộng đồng do MCD thực hiện. Các nhóm cộng đồng được củng cố, phát triển; nhiều dân nghèo được tham gia cac sinh hoạt cộng đồng, tập huấn kỹ năng cung cấp dịch vụ du lịch; nhiều điểm du lịch tiềm năng được kết nối, xây dựng thành những tuyến tham quan hấp dẫn…
Trong khuôn khổ bài viết này, MCD xin được nêu ra một số trao đổi từ những kinh nghiệm thực tế phát triển cộng đồng nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường thông qua DLSTCD, hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả.
Tiềm năng DLSTCĐ tại các vùng ven biển
Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thuỷ
 |
Hình ảnh đàn cò thìa quý hiếm Ảnh: Trọng Chính |
Cách Hà Nội 150 km về phía Đông Nam, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (thuộc tỉnh Nam Định) được công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam theo công ước Quốc tế vào năm 1989. Với hệ sinh thái đa dạng sinh học cao, Vườn quốc gia Xuân Thủy từ lâu đã nổi tiếng là một điểm tham quan lý tưởng cho các nhà điểu học, những người yêu thích xem chim và góp sức cho công cuộc bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch chỉ diễn ra trong khu vực vùng lõi Vườn quốc gia, các cán bộ Ban Quan lý VQG trực tiếp làm công tác hướng dẫn, phục vụ khách. Hoạt động du lịch trong vùng lõi VQG mang đến không ít tác động xấu cho môi trường, đặc biệt là khu vực sinh sống của các loài chim di cư.
Trong khi đó, khu vực vùng đệm với 5 xã nông nghiệp có cảnh quan tươi đẹp, yên bình và nhiều nét văn hoá đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ lại chưa được biết tới như một khu vực hấp dẫn du lịch.
Khu bảo tồn Biển (KBTB) Rạn Trào
Rộng 0,4 ha thuộc khu vực vịnh Vân Phong, khu bảo tồn biển do cộng đồng quản lý Ran Trào là khu vực có hệ động thực vật phong phú bao gồm hải sâm, bào ngư, cá ngựa và cỏ chân ngỗng. Rạn san hô gần bờ trong khu bảo tồn biển có khoảng 215 loài san hô cứng và 100 loài cá rạn.
Cuộc sống của ngư dân với những hoạt động nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là tôm sú, tôm hùm) gắn liền với công tác bảo vệ khu bảo tồn biển và hệ sinh thái ven bờ. Từ năm 2000, nhiều chuyến tham quan học tập nhằm chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường, đã được tổ chức cho các địa phương lân cận, bạn bè quốc tế…
Tuy nhiên, cộng đồng chưa thực sự được hưởng lợi về mặt kinh tế từ các hoạt động trên. Trong khi đó, công tác bảo tồn cần nhiều chi phí về thời gian, tài chính cũng như nguồn nhân lực cộng đồng.
Để tiềm năng thành sản phẩm – DLSTCĐ phát triển bền vững
Trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tại các khu vực này, MCD đã hỗ trợ cộng đồng địa phương tiến hành các hoạt động khảo sát, đánh giá tiềm năng; nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các bên tham gia; xây dựng, phát triển và quảng bá sản phẩm từ năm 2006.
Trong khi đó, bảo tàng ngư cụ, trung tâm giáo dục môi trường cộng đồng và chương trình giao lưu, tìm hiểu công tác bảo tồn nguồn lợi biển dựa vào cộng đồng lại là những hoạt động được thiết kế cho điểm tham quan KBTB Rạn Trào nhằm bổ sung cho các sản phẩm du lịch biển tại Khánh Hòa.
Những đánh giá tích cực từ phía khu vực doanh nghiệp đã bước đầu khẳng định khả năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm DLSTCD.
Nhiều hội thảo, tập huấn, đối thoại, đã được tổ chức cho cán bộ địa phương, cộng đồng, khu vực doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức về các tác động của du lịch đến môi trường, cảnh quan và văn hoá của khu vực. Bên cạnh đó, “Xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan”, “trao quyền làm chủ cho cộng đồng địa phương”, được xem là những nguyên tắc thực hiện dự án DLSTCĐ. Tuy nhiên, để cộng đồng có thể là một “bên liên quan” có đủ năng lực, kiến thức va được xem là một bên ngang hàng với các đối tác khác, cần sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và không chỉ trong khuôn khổ dự án.
Ban quản lý có sự tham gia của chính quyền và cộng đồng hoạt động theo cơ chế đồng quản lý, trên cơ sở hỗ trợ cộng đồng làm chủ hoạt động du lịch và hưởng lợi từ tài nguyên trên chính quê hương họ là một biện pháp giải quyết hứa hẹn đem lại hiệu quả trong phát triển DLSTCĐ bền vững ở khu vực ven biển./.
TĂNG THỊ DUYÊN HỒNG