Tiềm năng du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên khoảng gần 152 nghìn km2, dân số hơn 24 triệu người. Với 1.870km đường bờ biển, hơn 1.500km biên giới đường bộ tiếp giáp với Lào và Campuchia; là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung và Tây Nguyên có vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang hoạt động với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1. Ngoài ra, miền Trung và Tây Nguyên có 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn; là nơi tập trung 14 di sản thế giới và 40 di tích quốc gia đặc biệt. Hiện ở đây đã xuất hiện những điểm đến có thương hiệu và đẳng cấp quốc tế, thu hút ngày một nhiều khách du lịch trong và ngoài nước như Quảng Bình, Huế (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến khu vực miền Trung và Tây Nguyên đạt 58 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 9,5 triệu lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt 120 nghìn tỷ đồng...
Liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế
Tại hội nghi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao tiềm năng du lịch của vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã đóng góp vào sự phát triển du lịch chung của cả nước trong thời gian qua, tuy nhiên hiện nay các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vẫn chưa khai thác, tương xứng với thế mạnh, tiềm năng sẵn có, đồng thời chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các tỉnh.
Theo PGS.TS. Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có nhiều lợi thế về du lịch biển đảo và tập trung rất nhiều các di sản nổi tiếng nhưng những yếu tố tiềm ẩn làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của khu vực đó là áp lực về hạ tầng cơ sở, môi trường trong khu vực; tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá…
Cùng quan điểm với PGS.TS. Phạm Trung Lương, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, tiềm năng du lịch của miền Trung và Tây Nguyên rất rõ rang nhưng cần biết phát huy tiềm năng, tránh tình trạng hiện nay là các tỉnh trong khu vực đang “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên kêt chặt chẽ vùng.
Nỗ lực cùng nhau phát triển
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho biết, đã kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành 6 nội dung lớn:
Thứ nhất, xem xét thí điểm cơ chế, chính sách nhằm phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên, như đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các dự án cảng hàng không quốc tế; cho phép thu hút đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế để xây dựng cảng biển du lịch vùng; xây dựng tuyến đường ven biển miền Trung (trong đó ưu tiên tuyến từ Nghệ An - Thừa Thiên Huế - Bình Định để nối tuyến ven biển 7 tỉnh từ Quảng Ninh - Nghệ An); ưu tiên hỗ trợ vốn Trung ương để đầu tư xây dựng hạ tầng các khu du lịch quốc gia; có cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư và doanh nghiệp để có những sản phẩm du lịch mới, đặc sắc Việt Nam; có cơ chế hỗ trợ đặc thù vốn trùng tu, giải phóng mặtbằng phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa thế giới (di sản vật thể).
Thứ hai, cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút đầu tư.
Thứ ba, cho phép thí điểm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch nhằm xúc tiến quảng bá du lịch.
Thứ tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch.
Thứ năm, ưu tiên đầu tư từ ngân sách và hợp tác quốc tế để xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trên cơ sở nâng cấp các cơ sở đào tạo du lịch hiện có.
Thứ sáu, cho phép thực hiện cơ chế sử dụng ít nhất 10% nguồn thu ngân sách để lại từ du lịch để xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại các địa bàn trọng điểm du lịch; phát triển hệ thống Nhãn sinh thái cho các sản phẩm du lịch; cho phép sử dụng tối đa 50% lệ phí tham quan di tích lịch sử văn hóa cho mục đích bảo tồn các giá trị văn hóa và tự nhiên, đa dạng sinh học đang được khai thác cho phát triển du lịch.
Tại hội nghị, các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây nguyên đã đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng phù hợp Luật Quy hoạch năm 2017, nhằm xác định lại không gian của vùng, nhất là khu du lịch, hệ thống hạ tầng của vùng, tránh chồng chéo, khắc phục dàn trải đầu tư kém hiệu quả, phân tán nguồn lực.
Hội nghị cũng tập trung thảo luận nhằm đưa du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, các tỉnh nằm trong khu vực cần nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đồng thời cam kết đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững…; tạo bước đột phá, chuyển từ du lịch điểm (từng địa phương) sang vùng; tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch miền Trung và Tây Nguyên hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Du lịch miền Trung và Tây Nguyên còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch do dịch vui chơi giải trí còn đơn điệu, thiếu đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, tầm nhìn ngắn hạn dẫn đến tài nguyên du lịch bị tàn phá… Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo, cần thay đổi tư duy lấy cụm, ngành làm trung tâm chứ không phải tài nguyên du lịch làm trung tâm; cần mở rộng visa điện tử từ 24 nước lên hơn 100 nước; cấp thẻ xanh cho công dân ưu tú nước ngoài; các địa phương rà soát lại các nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, Thủ tướng cũng cho biết để thu hút các nhà đầu tư, phát triển du lịch, Chính phủ cam kết giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định quốc gia, dân tộc; giữ gìn an ninh, trật tư xã hội, đảm bảo giữ vững nền kinh tế vĩ mô; thu hút nhiều hội nghị, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Minh Hạnh