Đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Qua gần 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ), ngành Du lịch Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, nhiều kết quả mà Du lịch Việt Nam đạt được trong thời gian qua đã vượt các con số dự báo đưa ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời một số mục tiêu, giải pháp không còn phù hợp trong bối cảnh và xu hướng phát triển hiện nay. Bên cạnh đó, thực tế phát triển du lịch thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội... Đứng trước bối cảnh đó, cần phải có định hướng chiến lược phát triển du lịch thời kỳ mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, nền tảng các kinh nghiệm phát triển thời gian qua để đưa Du lịch Việt Nam phát triển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, là một trong những quốc gia phát triển du lịch hàng đầu ở khu vực.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Chiến lược) và lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ĐMC). Để thực hiện 2 nhiệm vụ này, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã thành lập Ban chuyên môn xây dựng Chiến lược với 19 thành và Ban Chuyên môn lập báo cáo ĐMC với 6 thành viên, trong đó có 2 thành viên thuộc Ban Chuyên môn xây dựng Chiến lược.
Quá trình thực hiện Chiến lược và ĐMC được tiến hành song song và có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Trong quá trình làm việc, nhóm thực hiện ĐMC đã đóng góp và hỗ trợ, thu thập thông tin, xác định các phương án, xác định các tác động môi trường, xây dựng các biện pháp giảm nhẹ/tăng cường, và chỉnh sửa lại các đề xuất cho phù hợp trên cơ sở các tác động môi trường đã được dự báo. Quá trình thực hiện báo cáo ĐMC được tiến hành theo nguyên tắc phối hợp, trao đổi thường xuyên giữa Ban chuyên môn xây dựng Chiến lược và Ban chuyên môn lập báo cáo ĐMC...
Căn cứ các quy định hướng dẫn của Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, Ban chuyên môn lập báo cáo ĐMC đã xây dựng kế hoạch, phương án và phân công nội dung thực hiện cho các thành viên. Việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá và tổng hợp báo cáo ĐMC dựa trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, chính quyền địa phương, cộng đồng địa phương và các tổ chức khác... thông qua các đợt khảo sát, họp trao đổi, hội thảo xin ý kiến.
Tại hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Trưởng Ban chuyên môn lập báo cáo ĐMC, Phó Trưởng Ban chuyên môn xây dựng Chiến lược đã trình bày vắn tắt kết quả báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi nghe báo cáo, đa số các đại biểu đánh giá cao dự thảo ĐMC cũng như những nỗ lực của Ban chuyên môn; đồng thời đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, cởi mở, đa chiều nhằm giúp dự thảo tiếp tục được hoàn thiện về nội dung cũng như hình thức.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, Ban chuyên môn sẽ tiếp tục tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo ĐMC. Theo dự kiến, ĐMC sẽ được trình phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện cuối năm 2019.
Thảo Chi