Trên thế giới, các loại hình du lịch nông nghiệp có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung lại thì nó có những đặc điểm sau đây:
- Địa bàn: vùng nông thôn nơi có hình thức sản xuất nông nghiệp như trồng tỉa, nuôi gia súc, đánh bắt thủy sản hay làm nghề truyền thống.
- Hoạt động dành cho khách bao gồm: ở ngoài đồng, ruộng, trang trại; trong làng xóm và các hộ gia đình.
- Dịch vụ: vận chuyển, tham quan, trò chơi, giải trí và mua sắm.
ĐBSCL có thể hoàn toàn học tập các nước kể trên để trở thành một trung tâm du lịch nông nghiệp – nông thôn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
TÀI NGUYÊN ĐA DẠNG, VÍ TRỊ THUẬN LỢI
Giao thông đến ĐBSCL đang được nâng cấp và xây mới, nên có đến hơn ½ diện tích ĐBSCL nằm trong bán kính 3h xe ô tô tính từ TP. Hồ Chí Minh – là quãng thời gian di chuyển đẹp nhất đối với du khách.
Vì vậy có thể nói ĐBSCL rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch này trong tương lai.
THỊ TRƯỜNG MỤC TIÊU
Thông thường, khi lập kế hoạch phát triển một điêm đến, người ta nghĩ đến thị trường mục tiêu, với loại hình du lịch nông nghiệp – nông thôn, thì ĐBSCL có thể khai thác khách từ các thị trường sau đây:
Khách TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông
Đây là một vùng đô thị lớn với hơn 20 triệu người, làm việc trong các ngành công nghiệp dịch vụ muốn có những ngày cuối tuần ở các điểm đến gần. Đây là nhóm khách hàng có thu nhập cao, khả năng chi trả đa dạng từ mức trung bình đến cao cấp. Họ mua sắm xe cá nhân ngày càng nhiều và cùng với việc các trục đường giao thông chính đến ĐBSCL ngày càng được mở rộng, nâng cấp, thì họ chính là thị trường khổng lồ.
Khách hàng đô thị nội vùng
Hiện nay cư dân sống trong các thành phố, thị xã, thị trấn ở ĐBSCL đang tăng lên nhiều. Nên họ sẽ là một nguồn khách hàng tại chỗ phong phú, là đối tượng có thể đến ngay khi có thông tin về sản phẩm có tính thời vụ, như vườn xoài chín rộ, vuông tôm, áo cá chuẩn bị thu hoạch hay cánh đồng lúa vàng cho những khung hình đẹp như mơ. Họ có mức chi tiêu không cao, nhưng ưu điểm là có thể đến bằng nhiều loại phương tiện như xe bus, xe máy, xe đạp hay ghe xuồng.
Khách Hà Nội và các tỉnh miềnBắc
Đây là lượng khách chính cho tour Phú Quốc, Cần Thơ – Cà Mau, Sóc Trăng – Côn Đảo hiện nay. Lượng khách lớn, cao cấp, chi tiêu nhiều dù hơi khó tính. Họ cũng là những người thích mua nông – thủy sản cao cấp để đem về làm quà.
Khách miền Trung
Tuy không đông như ba nhóm khách hàng kể trên, nhưng khách từ Đà Nẵng, Huế và các đô thị khác của miền Trung đến ĐBSCL đang tăng lên nhiều. Họ thường chọn tour có nhiều loại hình tham quan pha trộn, trong đó có du lịch nông nghiệp – nông thôn.
Khách đi tour học tập
Đối tượng khách là các em học sinh và sinh viên trong – ngoài nước. Các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp là những tỉnh có ưu thế thu hút đối tượng khách này.
Khách nước ngoài
Hiện nay khách nước ngoài đến ĐBSCL chủ yếu là đi coi nhà vườn, ruộng lúa và lưu trú trong nhà dân (homestay). Đây là lượng khách đang đến ĐBSCL đều đặn hàng năm, họ đang là một trong những nguồn khách hàng chính của tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang và TP. Cần Thơ
Nếu có các sản phẩm mới, được tổ chức chặt chẽ và hợp với tâm lý của họ, thì việc thu hút thêm đối tượng khách này, cũng như kéo dài thời gian lưu trú của họ ở ĐBSCL hoàn toàn là việc trong tầm tay.
Những nước gần Việt Nam như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản có thể là các thị trường dễ thu hút với số lượng lớn
CHIẾN LƯỢC SẢN PHẨM
ĐBSCL chỉ mới xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn đơn giản, dễ bị sao chép. Để loại hình du lịch này trở thành một trong những loại hình du lịch chính, cần phải có chiến lược về phát triển sản phẩm như sau:
Dịch vụ lữ hành
Khách đi tour nông nghiệp chủ yếu là nhóm nhỏ, theo gia đình hoặc bạn bè. Họ chỉ đi tour bằng xe lớn khi dịch vụ tại điểm đến là dành cho nhóm nhỏ, chia ra nhiều hộ gia đình hoặc trang trại khác nhau. Bên cạnh đó, khách dành nhiều thời gian cho việc tham gia vào các hoạt động hơn là thụ động nghe hướng dẫn viên thuyết minh như các tour tham quan phong cảnh. Vì vậy sản phẩm lữ hành phải được tổ chức khác biệt với việc chuyển trọng tâm từ hướng dẫn viên trên tuyến, thành nhà nông – kiêm hướng dẫn viên tại điểm, với dịch vụ riêng biệt cho từng nhóm nhỏ.
Hoat động nông nghiệp
Có rất nhiều hoạt động đa dạng mà khách cần, như chèo xuồng/ thuyền đi đánh bắt cá, đi hái rau, đi xem đồng lúa, vuông tôm, sân chim nhưng những hoạt động mà họ thích nhất là được gia nhập và trải nghiệm bằng chính các giác quan từ các hoạt động:
- Trồng - tỉa - thu hoạch lúa, cây ăn trái, rau màu
- Nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm
- Đánh bắt cá, tôm, cua bằng các hình thức thủ công truyền thống
- Chơi các trò chơi của nhà nông trên cạn, dưới nước, thậm chí trong đầm lầy
- Tham gia các cuộc thi của cư dân vùng nông nghiệp như đua bò, đua trâu, chèo thuyền, bắt vịt…
Lưu trú
Đây là khâu quan trọng nhất để giữ khách ở lâu. Kinh nghiệm ở các quốc gia có ngành du lịch nông nghiệp – nông thôn phát triển, thì họ chia ra các loại hình lưu trú khác nhau, như:
Homestay - ở nhà dân: là hình thức chia chung không gian ngủ, hoặc có phòng riêng nhưng gắn với sinh hoạt của chủ nhà.
Farmstay: là hình thức ở trong khuôn viên với chủ 1 trang trại hay nhà vườn, nhưng riêng biệt hơn.
Lodge, bungalow: là loại hình lưu trú ở làng quê và thường không gắn với không gian của chủ nhà. Loại hình này được tổ chức cao cấp và riêng biệt, được khách lưu trú dài ngày ưa chuộng.
Resort: các khu nghỉ dưỡng ở vùng quê, cạnh sông, cạnh đồng lúa.
Hotel: các khách sạn trong vùng quê hoặc các thị trấn, khu đô thị vùng quê có sân vườn rộng rãi.
Tùy mỗi loại hình lưu trú mà chủ nhà/ chủ trang trại/ nhà đầu tư có cách bố trí dịch vụ khác nhau. Dòng khách của mỗi loại sản phẩm cũng không giống nhau, như khách châu Âu hiện nay thích nhất là ở homestay, trong khi khách Việt Nam ưa chuộng farmstay hơn.
Ẩm thực
Khách thích ăn những món tươi, ngon, bổ mà họ khó tìm được ở nơi cư trú hay trong các thành phố lớn. Vì vậy rau quả sạch, cá tôm nuôi quảng canh là giải pháp hoàn hảo.
Họ thích được tham gia hái rau, chế biến, nấu ăn và làm các loại bánh truyền thống.
Quà tặng
Quà tặng bao gồm đồ lưu niệm, trái cây, hải sản tươi – khô và chế biến. Các loại hàng hóa này phải đạt một số điều kiện như kích thước gọn, nhẹ, bao bì đẹp, chất lượng và thương hiệu rõ ràng, thậm chí dán nhãn chứng nhận quy trình nuôi – trồng – sản xuất.
Hiện nay xu hướng đầu tư vào du lịch nông nghiệp – nông thôn đã xuất hiện ở một số địa phương trong vùng, như Stiermann’s Ricefield Lodge (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ của một đầu bếp người Đức); Mekong Farmstay , Hùng Hoa - Ếch, Tư Cá – Linh (đều ở tỉnh Đồng Tháp); hay cồn Mỹ Phước (tỉnh Sóc Trăng)… Tất cả những điểm du lịch này đang hoạt động tốt, đem lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân.
Chắc chắn trong những năm sắp tới, đây sẽ là một trong những loại hình du lịch chính ở vùng ĐBSCL.
ThS.Phan Đình Huê