 |
Thử sức |
Ảnh: Kim Mạnh |
Pháp là nước phát triển du lịch nhất thế giới, kể từ năm 1990 trở lại đây đã đứng ra tổ chức thường niên các chương trình du lịch thể thao mạo hiểm mang tên “Raid Gauloises”, thu hút sự tham gia của rất nhiều khách du lịch ưa khám phá, mạo hiểm từ khắp thế giới.
Tiềm năng và triển vọng
Nước ta có tiềm năng du lịch đa dạng và đang nổi lên là một điểm đến mới, hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới. Với địa hình 3/4 là đồi núi, với các hệ thống sông ngòi chằng chịt, các dãy núi đá vôi, nhiều hang động đẹp, nhiều khu rừng nguyên sinh nhiệt đới cũng như các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia rộng lớn, với hơn 3000km bờ biển tạo nên những bức tranh phong cảnh sinh động trải dài từ Bắc đến Nam. Đó chính là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm như: đi bộ (trekking), leo núi (hiking), đua ô tô, mô tô, xe đạp, lặn biển, bè mảng, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù, dù lượn, khinh khí cầu… Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ và giàu bản sắc văn hóa dân tộc, khu vực miền núi Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên là những địa chỉ tuyệt vời cho việc tổ chức các tour du lịch mạo hiểm ở Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ; với lợi thế bờ biển dài, hàng trăm bãi biển và nhiều hòn đảo đẹp, hấp dẫn; với hệ thống sông, hồ dày đặc cũng là những tiềm năng to lớn cho việc tổ chức các loại hình du lịch mạo hiểm.
Việt Nam bước đầu tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm
Trong mấy năm qua, Tổng cục Du lịch đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí đi khảo sát các tuyến điểm du lịch nhiều nước trong khu vực và quốc tế, cho thấy nước ta thực sự có đầy đủ tiềm năng và thế mạnh để hình thành các tour du lịch mạo hiểm. Một số doanh nghiệp lữ hành đã chủ động nghiên cứu, tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm cho khách quốc tế như chương trình chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, đỉnh Lang Biang, đỉnh Bạch mã, đèo Prenn, các chương trình lặn biển ở Nha Trang, cù lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo, đi xe đạp địa hình, xe mô tô thể thao ở vùng núi, chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà... Các chương trình này đã thu được những kết quả nhất định cho doanh nghiệp và bước đầu góp phần hình thành và phát triển loại hình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam. Năm 2002, Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức chương trình du lịch thể thao mạo hiểm mang tên “Raid Gauloises” với sự tham gia của trên 800 khách du lịch quốc tế thuộc 17 quốc gia kéo dài 14 ngày tại 9 tỉnh vùng núi Đông Bắc Việt Nam.
Năm 2004 và 2006, Saigontourist đã phối hợp với Câu lạc bộ thuyền buồm Hồng Kông và hãng Goodman Marine International tổ chức 2 cuộc đua thuyền buồm từ Hồng Kông đến Nha Trang với số lượng thành viên tham gia mỗi cuộc đua trên 200 khách du lịch với nhiều quốc tịch khác nhau. Hai cuộc đua này đã tổ chức đạt kết quả tốt, tạo ấn tượng sâu sắc cho các thành viên tham gia cuộc đua, qua đó đã góp phần quảng bá tích cực hình ảnh du lịch biển của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mặc dù tiềm năng phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm ở nước ta là rất lớn nhưng thời gian qua, việc triển khai các chương trình du lịch mới, mạo hiểm còn gặp nhiều trở ngại. Các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình du lịch mạo hiểm cho khách thường là tự phát, thiếu định hướng chiến lược.
Những giải pháp phát triển loại hình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam
1. Tập trung khảo sát, quy hoạch những địa điểm, khu vực thích hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm, trên cơ sở đó nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng và có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư, hình thành các tuyến, các khu vực tổ chức du lịch mạo hiểm thường xuyên cho khách du lịch như khu vực núi Phan Xi Păng, khu vực Đồng Văn - Mèo Vạc, Hoàng Su Phì - Xín Mần (Hà Giang), núi Bạch Mã, Tam Đảo, khu vực núi Lang Biang (Đà Lạt)…
2. Tổ chức cung cấp các dịch vụ tại các địa điểm tổ chức tour du lịch mạo hiểm cho khách du lịch mạo hiểm.
3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xác định được các đoạn thị trường và đối tượng khách mục tiêu để có chiến lược quảng bá, thu hút khách du lịch phù hợp.
4. Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành xây dựng, phát triển và chào bán các chương trình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam cho khách du lịch thông qua việc tổ chức các chương trình khảo sát các tuyến điểm du lịch có tiềm năng tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành tăng cường quan hệ với các tổ chức nước ngoài chuyên tổ chức các chương trình du lịch thể thao mạo hiểm trên thế giới để thu hút các cuộc đua du lịch thể thao mạo hiểm có quy mô lớn vào Việt Nam, qua đó quảng bá mạnh mẽ về Du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
5. Đổi mới, hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển du lịch phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
6. Tổ chức đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm vừa có sức khỏe, có nghiệp vụ, kỹ năng, vừa thông thạo ngoại ngữ, yêu nghề.
7. Chú trọng việc bảo vệ môi trường, cảnh quan tại những khu vực tổ chức các loại hình du lịch mạo hiểm. Cần có các bản quy định và chỉ dẫn cụ thể cho khách tại địa điểm tổ chức du lịch mạo hiểm; giữ gìn vệ sinh, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; phát triển hoạt động du lịch mạo hiểm theo hướng bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường, tôn trọng tập quán của cộng đồng dân cư.
Ths. NGUYỄN ANH TUẤN
* Chi tiết xem Tạp chí DLVN tháng 8/2007