Góp phần giải mã bí ẩn lớn của Di tích Mỹ Sơn
Góp phần giải mã bí ẩn lớn của Di tích Mỹ Sơn
Chủ nhật, 12/08/2007 | 09:11 GMT+7
Có ít nhất ba bí ẩn lớn của Mỹ Sơn còn chưa được làm sáng tỏ hiện nay, đó là:
1. Tại sao di tích lại được xây dựng trong vùng rừng núi thâm u, hiểm trở?
2. Tại sao sau gần 9 thế kỷ phát triển rực rỡ, di tích Mỹ Sơn lại bị bỏ quên trong hoang tàn?
3. Tại sao không thể khôi phục, trùng tu các đền tháp Champa đúng như xưa?
Bài viết này góp phần làm sáng tỏ ba bí ẩn đó.
Lịch sử Di tích Mỹ Sơn
Di tích Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, cách thị trấn Duy Xuyên khoảng 40km về phía Tây. Lịch sử Mỹ Sơn được bia ký ghi lại, bắt đầu từ thế kỷ 4, nhưng di tích sớm nhất còn lại là tháp E1(năm 750), còn di tích muộn nhất là tháp B1(năm 1234). Mỹ Sơn là kho tàng vô giá về bia ký và các kiến trúc đền tháp Champa suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ 4 đến 13). Năm 1242, tức là 8 năm sau khi xây dựng ngọn tháp cuối cùng B1, Di tích Mỹ Sơn bị chính người Champa bỏ quên trong hoang tàn. 642 năm sau, vào năm 1885, Mỹ Sơn được các nhà khảo cổ Pháp phát hiện trong rừng rậm. Năm 1895 công cuộc phát quang, nghiên cứu được các chuyên gia Pháp tiến hành, đã phát hiện 70 đền tháp (nay chỉ còn 30), chiếm 3/4 tổng số đền tháp Champa còn lại cho đến ngày nay trên đất nước ta.
Thung lũng Mỹ Sơn - một Yoni thiên nhiên vĩ đại.
Trên ảnh vệ tinh, thung lũng Mỹ Sơn là một lòng chảo gần tròn có đường kính khoảng 3km bị núi bao quanh tứ phía. Có 3 dãy núi lớn: núi Dương Thông ở phía Đông Bắc, núi Đá Beo ở phía Đông Nam và núi Kỳ Vĩ ở phía Tây Bắc. Gờ núi quanh thung lũng có 6 đỉnh nhô cao. Đáy thung lũng hẹp, với đường kính khoảng 300 - 400 m, được điểm xuyết bằng 6 khe suối: 5 khe nhỏ dồn nước vào giữa thung lũng và khe lớn nhất (khe Thẻ) dẫn nước chảy thoát ra ngoài thung lũng qua một khe núi hẹp, đổ vào sông Thu Bồn ở hướng Tây Bắc. Những khe suối này ít khi bị cạn, kể cả vào mùa khô. Cảnh quan của thung lũng Mỹ Sơn cho ta hình ảnh của một Yoni thiên nhiên vĩ đại. Yoni – biểu tượng sinh thực khí phụ nữ - cũng là biểu tượng của nữ thần Uma, vợ của thần Siva trong tín ngưỡng Champa vốn mang đậm màu sắc ấn Độ giáo.
Trong lòng thung lũng Mỹ Sơn, người xưa đã xây dựng 6 cụm đền tháp chính trên những gò đất nhô cao bị chia cắt bởi các khe suối (ngày nay còn 5 cụm). Đã kiểm kê được ở Mỹ Sơn 6 phong cách xây dựng trong suốt tiến trình lịch sử gần 9 thế kỷ.
Các cụm tháp ở Mỹ Sơn quay theo chiều kim đồng hồ.
Có một quy tắc bắt buộc khi xây dựng các đền tháp Champa, là dù bất cứ xây dựng ở vị trí nào, trên đỉnh đồi hay vùng đất bằng, cửa chính của ngôi đền tháp đều phải quay về hướng chính Đông để đón ánh mặt trời buổi sáng. ánh mặt trời là biểu tượng của sinh lực, của nguồn gốc sự sống mà thần Siva mang lại.
Tuy nhiên, cả 5 cụm tháp hiện nay ở Mỹ Sơn đều quay cửa chính về hướng Đông Nam với những góc lệch khác nhau so với hướng chính Đông.
Không thể nói là các cụm đền tháp đã xoay theo chiều kim đồng hồ, mà chính xác là các khu đất (mà các cụm đền tháp đã xây dựng trên đó) bị xoay.
Sự xoay theo chiều kim đồng hồ khiến cửa chính của tất cả các đền tháp ở Mỹ Sơn chuyển về phía Đông Nam, làm cho ánh mặt trời buổi sáng không thể chiếu thẳng vào trong tháp. Có lẽ người Champa xưa cho rằng thần Siva đã rời bỏ nơi đây nên không cho mặt trời chiếu thẳng qua cửa chính các ngôi đền, vì thế những ngôi đền ở Mỹ Sơn không còn linh thiêng nữa. Đấy là chưa nói đến sự xoay trượt chắc sẽ làm nứt vỡ các khối đền tháp được xây phần lớn từ gạch non. Từ 1242, khu di tích bị bỏ hoang không thương tiếc!
Sự không hoàn hảo tạo ra sự hoàn hảo
Đền tháp Champa nổi tiếng với các họa tiết điêu khắc trên đá hoặc trên tường gạch sau khi tường đã xây dựng xong. Tuy nhiên, các họa tiết này luôn luôn không hoàn hảo. Có những chỗ họa tiết được khắc thô, giống như một phác thảo; có những đoạn bỏ không chạm khắc, được ráp nối với những đoạn được chạm khắc rất tinh xảo. Sự không hoàn hảo một cách cố ý này khiến cho các hình khắc trang trí ở hai bên cửa, ở hai phần của lá nhĩ, hai phần của vòm cuốn... nhìn thoáng qua thì đối xứng nhưng thực tế là không đối xứng. Chúng khác biệt chút ít nhưng không theo một quy luật nào. Điều này làm cho mỗi viên gạch, mỗi trụ đá sau khi được chạm khắc trở thành một vật phẩm duy nhất. Nếu một viên gạch mất đi, không thể đoán định nét chạm khắc trên đó là như thế nào. Vì vậy, các yếu tố kiến trúc của đền tháp Champa lặp lại mà không thực lặp lại. Sự hoàn hảo của kiến trúc được tạo ra từ những chi tiết không hoàn hảo. Điều này khiến cho việc phục chế như cũ các đền tháp Champa là điều không thể. Và cũng nhờ đó mà các đền tháp Champa trở nên đa dạng đến vô cùng. Phải chăng đó chính là thứ triết lý mà người xưa đã ghi lại trên các trang sử bằng gạch đá? Là sự trình hiện của điệu múa vũ trụ vô thường của thần Siva: mỗi một thời khắc, mỗi một sự vật sinh ra là duy nhất trên đời và không thể tái sinh như cũ.
PGS.TS.NGUYỄN ĐÌNH HÒE
Đại học Quốc gia Hà Nội
* Chi tiết xem Tạp chí DLVN tháng 8/2007