Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai Chương trình OCOP. Sau gần 4 năm triển khai, toàn tỉnh có 362 sản phẩm OCOP trong đó 131 sản phẩm đạt sao, với sự tham gia của 145 tổ chức kinh tế. Doanh thu từ OCOP 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 239 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 27,7 tỷ đồng; tạo việc làm cho 3.532 lao động…
Sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ được quảng bá, tiêu thụ tại các kênh phân phối truyền thống mà còn qua các kỳ hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại và đã có mặt tại Siêu thị, Trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm sạch… Hiện nay, Quảng Ninh còn đang quan tâm đến việc phát triển riêng hệ thống các kênh phân phối sản phẩm OCOP tại các Trung tâm, điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm: tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đến mọi tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài nước; Đa dạng hóa các hình thức kết nối tiêu thụ, phát triển thị trường và quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Quảng Ninh… Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 29 Trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP.
Trên cơ sở mục tiêu của chương trình OCOP giai đoạn 2017 - 2020, mỗi địa phương cần chọn ra những sản phẩm có ưu thế để đầu tư phát triển, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Cần tập trung hoàn chỉnh hệ thống văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình, rà soát chính sách để ban hành cơ chế riêng phù hợp cho chương trình.
Việc tập trung đẩy nhanh tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị lớn trong tỉnh, tiến tới mỗi địa phương tự tổ chức các hội chợ tiêu thụ tại các điểm giới thiệu sản phẩm; nâng cấp quảng bá, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để các thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến chương trình OCOP một cách rộng rãi.
Đây không chỉ là mô hình của riêng Quảng Ninh mà còn là mô hình điểm của cả nước, nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. Chương trình đã góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, là một trong những kết quả thiết thực, từng bước xây dựng giá trị riêng có của Quảng Ninh.
PV