Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO, khi các công ty du lịch nước ngoài “nhảy” vào thị trường Việt Nam, tính cạnh tranh sẽ càng thêm quyết liệt. Làm thế nào để các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có thể giữ được lợi thế và phát triển ra thị trường bên ngoài? Phóng viên Tạp chí Du lịch Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Chi nhánh Công ty Dịch vụ Du lịch Bến Thành tại Hà Nội.
*Xin ông cho biết những khó khăn và thuận lợi của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam nói chung và Chi nhánh Công ty Dịch vụ Du lịch Bến Thành nói riêng sau hơn một năm Việt Nam gia nhập WTO?
Ông Lưu Đức Kế (LĐK): Gia nhập WTO nghĩa là thị trường được mở rộng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phát huy lợi thế so sánh với các thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp và sức cạnh tranh sẽ đòi hỏi rất cao đối với tất cả các doanh nghiệp lữ hành. Nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước đang gặp những khó khăn về cơ sở hạ tầng, tiềm lực vốn... Đội ngũ nhân lực du lịch thiếu và yếu về trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm, nhất là thiếu những người có chuyên môn cao. Quá trình hội nhập, mở cửa cũng có thể tạo ra nguy cơ phá hoại môi trường và cảnh quan du lịch nếu không có sự quan tâm và những biện pháp quản lý hiệu quả. Những hàng rào bảo hộ doanh nghiệp trong nước sẽ dần dần bị thu hẹp lại, sự cạnh tranh trở nên gay gắt với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài hùng mạnh. Các doanh nghiệp lữ hành trong nước không còn được ưu ái về việc đặt phòng khách sạn, đặc biệt là các khách sạn liên doanh. Thị phần khách sạn phục vụ cho các doanh nghiệp lữ hành trong nước sẽ bị co hẹp lại.
*Thưa ông, làm thế nào để doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có thể cạnh tranh ngang sức, ngang tầm với các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài?
Ông LĐK: Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần liên kết cùng nhau phát triển, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, chủ động chuẩn bị cho mình một chiến lược nâng cao tính cạnh tranh. Muốn tồn tại và phát triển trong thời kỳ này, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải am hiểu luật pháp quốc tế, nắm vững các cam kết và lộ trình mở cửa cho doanh nghiệp lữ hành nước ngoài; tìm cách củng cố và phát huy các lợi thế so sánh của chính doanh nghiệp trong điều kiện thị trường mở; đánh giá đúng thực trạng tiềm lực của mình để có những chiến lược liên doanh, liên kết đúng hướng. Các doanh nghiệp nên đầu tư công nghệ đặt chỗ qua mạng Internet nhằm đáp ứng yêu cầu kinh doanh hiện đại và xây dựng các sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao, giá cả hợp lý, mang nét đặc sắc dựa trên những lợi thế nổi bật của tiềm năng Du lịch Việt Nam.
Mặt khác, cần chú trọng mở rộng thị trường, tạo dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm thâm nhập các thị trường và thành lập được mạng lưới đại lý rộng khắp cả nước để chiếm lĩnh thị trường du lịch trong nước và thị trường đưa khách Việt Nam đi các nước; tăng cường đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đào tạo cán bộ quản lý giỏi chuyên môn, có tầm hoạch định và cơ chế đãi ngộ thỏa đáng để tránh tình trạng “chảy máu chất xám” sang các công ty lữ hành nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá tại các thị trường du lịch trọng điểm và truyền thống; cung cấp các thông tin và đưa ra được những dự báo chính xác về tình hình phát triển du lịch và thị trường khách; phối hợp liên ngành để giảm giá tour du lịch; thực hiện liên kết chống độc quyền; phá giá trong kinh doanh lữ hành quốc tế giữa các doanh nghiệp.
*Trong thời gian qua, Chi nhánh Bến Thành Tourist đã có sự phát triển như thế nào?
Ông LĐK: Là một chi nhánh được Công ty Dịch vụ Du lịch Bến Thành (Bến Thành Tourist) giao trọng trách hoạt động như một công ty con, Chi nhánh luôn gắn kết các hoạt động cùng với Công ty và chủ động khai thác thêm nguồn khách. Với lợi thế về thương hiệu, địa điểm và nguồn nhân lực có kinh nghiệm, nhiệt tình, chu đáo, Chi nhánh luôn có sự tăng trưởng về mọi mặt, uy tín không ngừng nâng cao. Năm 2007, Chi nhánh đón và phục vụ được 8.960 lượt khách quốc tế, 5.440 lượt khách trong nước, doanh thu đạt 36 tỷ VNĐ. Chi nhánh đã góp phần không nhỏ vào thành tích chung của Công ty trong việc được công nhận các danh hiệu cao quý: Topten Lữ hành quốc tế 9 năm liền do Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao tặng; Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam Chất lượng cao do độc giả báo Sài Gòn Tiếp thị bình chọn; Top Thương mại Dịch vụ 2007 do Bộ Công thương trao tặng… Công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được Chi nhánh đặt lên hàng đầu. Khi có sản phẩm mới (tour, tuyến mới), Chi nhánh mời chuyên gia để giới thiệu, đào tạo thêm cho hướng dẫn viên và lựa chọn hướng dẫn viên phù hợp đi theo từng loại hình tour. Chi nhánh thường xuyên tiếp xúc cộng tác viên, gặp gỡ khách hàng để trao đổi kinh nghiệm phát triển Chi nhánh ngày một vững mạnh; tham gia công tác đào tạo với các trường chuyên ngành về du lịch: nhận sinh viên thực tập, hướng dẫn sinh viên viết luận văn tốt nghiệp... để tạo cơ hội tìm nguồn nhân lực bổ sung cho đơn vị…
Xin cảm ơn ông Lưu Đức Kế!
THANH HIỀN