Danh hiệu biển là danh hiệu cho một vùng biển được một tổ chức công nhận khi mà vùng biển đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cần thiết đã được tổ chức đó đề ra. Nếu là do tổ chức quốc tế công nhận thì đó là danh hiệu biển quốc tế, tổ chức cấp quốc gia công nhận thì đó là danh hiệu biển quốc gia. Khi một vùng biển được Danh hiệu biển Việt Nam thì vùng biển đó có rất nhiều lợi ích như sau: được nhiều người biết đến hơn; được nhiều cấp ngành và các tổ chức ở trong nước và quốc tế quan tâm; thuận lợi cho công tác quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường thiên nhiên điểm đến kỳ diệu đối với khách du lịch; một địa chỉ tin cậy hấp dẫn các nhà khoa học, nhà kinh tế và đầu tư liên doanh trên nhiều lĩnh vực; là trung tâm giáo dục truyền thống và phổ biến các tri thức khoa học. Các danh hiệu biển Việt Nam sẽ làm nền tảng cho xây dựng thương hiệu du lịch thiên nhiên biển và thương hiệu du lịch quốc gia cho Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế bền vững.
Giá trị danh hiệu biển như một thương hiệu du lịch thiên nhiên biển
Có thể nói, sau gần 20 năm kể từ khi được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị danh hiệu di sản vịnh Hạ Long đạt được những thành tựu to lớn. Thành tựu đó trước hết thể hiện ở tầm nhìn, nhận thức và hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc ứng xử với vịnh Hạ Long, coi vịnh Hạ Long là đối tượng ưu tiên trong hoạch định chính sách xây dựng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và các tổ chức quốc tế. Công tác bảo vệ cảnh quan môi trường vịnh Hạ Long được chú trọng và đề cao. Đến nay, vịnh Hạ Long đã trở thành thương hiệu và điểm đến hàng đầu của Du lịch Việt Nam.
Từ ví dụ của vịnh Hạ Long nói riêng và các khu danh hiệu biển Việt Nam nói chung nếu được quản lý tốt sẽ có thể trở thành những thương hiệu du lịch biển nổi tiếng, góp phần gia tăng ngân sách địa phương, quốc gia và nhân dân tại chỗ.
Lợi ích Thương hiệu thiên nhiên biển đảo Việt Nam
Thương hiệu thiên nhiên biển-đảo của Việt Nam góp phần quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo: đây chính là nhiệm vụ quan trọng của Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23/3/2010.
Quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo được hiểu là sự quản lý về mặt hành chính nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua các thể chế pháp lý nhằm điều hòa, phối hợp tốt giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương xuống đến địa phương trong việc tham gia vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng và khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển một cách phù hợp với định hướng, yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Quản lý tổng hợp biển và hải đảo đòi hỏi xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển và giải quyết đồng bộ các quan hệ phát triển khác nhau, trong đó quan hệ giữa các mảng không gian cho phát triển kinh tế biển và tổ chức không gian biển hợp lý cho phát triển. Tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo là một nhiệm vụ then chốt.
Thương hiệu thiên nhiên biển Việt Nam sẽ tạo hình ảnh để phát triển đa ngành (cùng phát triển), sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hóa) và bảo đảm đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa nhà nước, lĩnh vực tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương trong quá trình khai thác, sử dụng các hệ thống tài nguyên - môi trường biển, ven biển và hải đảo.
Thương hiệu thiên nhiên biển Việt Nam sẽ giúp bạn bè quốc tế và chính bản thân người Việt Nam hiểu đầy đủ hơn về hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam với hình ảnh đất nước đang vươn lên khẳng định vị thế và giá trị của mình. Trong quá trình hội nhập toàn cầu, những thách thức cạnh tranh trên các lĩnh vực đang đòi hỏi các quốc gia, địa phương và doanh nghiệp thay đổi cách nhìn về nền kinh tế quốc gia. Lợi thế so sánh của các yếu tố sản xuất cơ bản như lao động, nguồn nguyên liệu đã không còn là điều kiện mang tính quyết định để thu hút đầu tư. Những yếu tố có thể đo lường được thì nay các quốc gia đều có thể dễ dàng thực hiện được. Bởi vậy việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế bằng những yếu tố truyền thống, lý tính đã không còn nhiều tác dụng trong cạnh tranh. Trong xu thế hướng biển của thế giới, kinh tế biển sẽ là động lực vực dậy những ngành kinh tế chưa phát huy hết tiềm năng của nước ta hiện nay. Việc quảng bá danh hiệu thành thương hiệu thiên nhiên biển của Việt Nam sẽ đồng nghĩa với quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam “đậm đà bản sắc biển, mạnh về biển”.
Thương hiệu thiên nhiên biển Việt Nam đảm nhiệm vai trò tạo đòn bẩy để Việt Nam tiến vững chắc vào thế kỷ 21. Hiện nay, thế giới đang bước vào một giai đoạn bùng nổ phát triển mới với xu hướng ngày càng khẳng định tầm quan trọng to lớn của biển và đại dương. Chính vì thế, có một sự nhất trí chung trên thế giới đối với luận điểm coi “thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương” và tại Hội nghị Trung ương 4 khóa X, Đảng ta cũng khẳng định luận điểm đó, coi đây là một định hướng phát triển chiến lược quan trọng trong thế kỷ 21 của đất nước. Dân tộc Việt Nam đang khát vọng hướng đến một quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”. Tiềm năng biển Việt Nam được đánh giá là rất lớn, vì vậy thương hiệu danh hiệu biển Việt Nam sẽ tạo nên hình ảnh một quốc gia giàu tài nguyên biển với những giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời, từng bước khẳng định vị thế của mình trước cộng đồng quốc tế. Để đạt được mục tiêu phát triển “trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, Việt Nam cần phải xây dựng được các thương hiệu kinh tế biển, đặc biệt là có một thương hiệu mạnh quy tụ được các thương hiệu địa phương và thương hiệu ngành. Đây chính là yêu cầu cấp thiết đòi hỏi xây dựng thương hiệu thiên nhiên biển Việt Nam và tiến tới là thương hiệu quốc gia biển Việt Nam để đảm trách được sứ mệnh này.
Thương hiệu thiên nhiên biển của Việt Nam sẽ góp phần tạo ra động lực tăng trưởng và liên kết các vùng kinh tế, ngành kinh tế của địa phương, của quốc gia trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế cho thấy, những địa phương tuy không có ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên, không có lợi thế về những điều kiện công nghệ, nguồn nhân lực nhưng nhờ quảng bá tốt hình ảnh, liên kết với những thế mạnh của các địa phương khác, các ngành nghề mà chiếm lĩnh được một thị trường rộng lớn, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có uy tín, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Chính vì vậy, thương hiệu quốc gia biển của Việt Nam sẽ trở thành yếu tố quy tụ nên những thương hiệu mạnh của các địa phương cũng như các lĩnh vực kinh tế hàng đầu trong nước, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới.
Như vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia biển của Việt Nam nói chung, và thương hiệu du lịch biển nói riêng là một phương thức khai thác và thu hút độc đáo các nguồn tài nguyên biển phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế. Xây dựng thương hiệu du lịch thiên nhiên biển Việt Nam là sự hội tụ và quá trình kết hợp sự nỗ lực của nhiều đối tượng tham gia. Dù là thương hiệu của một doanh nghiệp, một địa phương hay một ngành đều cần đặt trong một bức tranh chung là thương hiệu du lịch quốc gia, thương hiệu quốc gia biển của Việt Nam và hợp tác sẽ đem lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên tham gia.
Dư Văn Toán
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)