Diễn đàn có sự tham dự của Bộ trưởng Du lịch các nước thành viên trong khuôn khổ hợp tác “Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong" - ACMECS (bao gồm Vương quốc Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa liên bang Myanmar, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), đại diện ngành Du lịch, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và chuyên gia quốc tế.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: Du lịch ACMECS đã khẳng định vai trò là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói chung và từng quốc gia nói riêng. Sự phát triển du lịch luôn đi kèm với những thách thức đối với môi trường tự nhiên và xã hội, vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách để phát triển du lịch một cách có trách nhiệm, hướng đến phát triển bền vững.
Các Bộ trưởng ghi nhận sự phát triển của Du lịch ACMECS năm 2015 với 52 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 8,8 triệu lượt khách nội khối, tăng lần lượt là 17% và 8% so với năm 2014, đồng thời nhấn mạnh những mối đe dọa tới môi trường và xã hội có thể phát sinh trong quá trình phát triển.
Các Bộ trưởng cũng nhận thấy du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cộng đồng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn của các nước ACMECS.
Các bên ý thức rằng, du lịch có trách nhiệm thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau đối với mỗi bên liên quan và chỉ có thể được thực hiện khi tất cả các bên, bao gồm Chính phủ, khối tư nhân, tổ chức xã hội, các chuyên gia, truyền thông và mỗi cá nhân, trong đó có khách du lịch, phát huy trách nhiệm cụ thể của mình.
Các Bộ trưởng Du lịch ACMECS nhất trí thông qua Tuyên bố Bộ trưởng ACMECS về Du lịch có trách nhiệm để tái khẳng định cam kết của ngành Du lịch ACMECS với phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, toàn diện và cân bằng; củng cố cơ chế chính sách du lịch có trách nhiệm, tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm, tạo điều kiện thích hợp cho việc khai thác có trách nhiệm các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên để phát triển sản phẩm du lịch; khuyến khích giáo dục, đào tạo và tăng cường năng lực chuyên môn phù hợp với các đối tượng, thúc đẩy và hỗ trợ sự tiến bộ về kinh tế - xã hội của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương và thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân với sự tham gia của các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.
KH