Lào Cai là một tỉnh có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, phong phú để phát triển du lịch. Ngành Du lịch Lào Cai đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp, tăng thu nhập cho người dân lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Công tác xóa đói giảm nghèo trong những năm qua đã được các cấp các ngành quan tâm triển khai như lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn đầu tư hướng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo; ưu tiên phát triển những ngành, những địa bàn, dự án sớm đưa lại hiệu quả kinh tế, tạo ra nhiều việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo. Du lịch là một ngành có thể tạo ra nhiêu việc làm cả trực tiếp và gián tiếp, tăng thu nhập cho cư dân địa phương góp phần đắc lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Để đánh giá chính xác hơn về đóng góp của du lịch với xóa đói giảm nghèo ở 4 bản: Tả Van, Lao Chải, Bản Hồ và Thanh Phú (Sapa, Lào Cai), nhóm nghiên cứu đã điều tra phỏng vấn ngẫu nhiên những người trong bản chỉ tham gia vào du lịch và không làm công việc khác. Tổng mẫu điều tra là 173. Thang đo Linkert được đưa vào để đánh giá mức độ tác động tích cực hay tiêu cực của hoạt động du lịch đối với người dân.
Trong số những người được hỏi, gần ¾ là nam giới, còn lại là nữ giới. Hầu hết đều nằm ở độ tuổi từ 20 - 40 tuổi, chiếm 74,57%; còn lại là từ 50 tuổi trở lên, chủ yếu là dân số trẻ đang thuộc độ tuổi lao động.
Kết quả cho thấy, người dân đánh giá cao việc phát triển du lịch tạo ra thu nhập, việc làm và tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, người dân đánh giá chưa thật sự cao nhân tố quản lý, hợp tác, chia sẻ như: tăng sự tham gia góp ý của người dân nghèo vào chính sách du lịch, gắn kết người nghèo với quyết định lập kế hoạch, tác động văn hóa đến người nghèo, thực hiện quản lý tốt phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới với đóng góp của người nghèo, nâng cao chất lượng sản phẩm với đóng góp của người nghèo.
Tương tự, người dân đánh giá chưa cao về nhân tố phân chia lợi ích, trách nhiệm giữa chính quyền địa phương, công ty du lịch và người dân: phân chia lợi ích giữa các bên chính quyền địa phương, công ty du lịch và nguời dân, phân chia trách nhiệm giữa các bên chính quyền địa phương, công ty du lịch và nguời dân.
Trên cơ sở phân tích tác động của phát triển du lịch đối với xóa đói giảm nghèo, chúng tôi đưa ra một số đề xuất như sau:
Đối với người dân: cần tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch để xóa đói giảm nghèo; khi chính quyền địa phương xây dựng chính sách về du lịch (sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm) người dân nghèo cần tham gia tích cực để đóng góp ý kiến nhằm làm cho dịch vụ du lịch tốt hơn, thu hút nhiều khách hàng hơn; tích cực nâng cao kỹ năng, kiến thức để có thể cạnh tranh với lao động bên ngoài.
Đối với chính quyền địa phương: chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho người dân nghèo tham gia vào hoạt động du lịch, để họ có việc làm từ đó làm tăng thu nhập giúp xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia vào kinh doanh du lịch, buôn bán các sản phẩm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch làm tăng thu nhập; khuyến khích hỗ trợ bằng các đưa ra các chính sách có lợi cho người dân, dễ hiểu, dễ thực hiện và bằng hỗ trợ, ưu đãi vay vốn, tài chính để họ có cơ hội tham gia kinh doanh du lịch và hỗ trợ đào tạo người dân để họ có kỹ năng trong việc phục vụ, cung cấp dịch vụ cho khách du lịch; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật (điện, đường giao thông, viễn thông) để thu hút khách du lịch đến với Sapa; khi có sự liên kết, phối hợp giữa người dân, chính quyền địa phương, công ty du lịch (các bên liên quan) để phục vụ khách tốt hơn. Các bên liên quan này phải phân chia quyền lợi, lợi ích, trách nhiệm rõ ràng để có thể hợp tác lâu dài, nhằm đưa ra dịch vụ tốt nhất cho khách, từ đó thu hút được nhiều hơn nữa khách du lịch.
Đối với công ty du lịch: các công ty du lịch cần xây dựng nhiều chương trình du lịch, đưa khách vào thôn bản nhiều hơn để giúp người dân có cơ hội làm việc, phục vụ khách nhằm tăng thu nhập; tạo điều kiện cho người trong bản tham gia vào hướng dẫn khách du lịch (hướng dẫn viên tại điểm).
Việc phát triển du lịch cần phải xác định giảm nghèo là một mục tiêu quan trọng phải đạt được, nó đòi hỏi phải có kế hoạch can thiệp mang tính chiến lược và chuyên nghiệp. Vai trò quan trọng của chiến lược phát triển nguồn nhân lực để giảm nghèo thông qua hoạt động du lịch cần phải được phát triển hơn nữa và lồng ghép với các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng chính sách. Có thể khẳng định ở đâu du lịch phát triển thì ở đó chất lượng đời sống được cải thiện. Vì vậy, đối với các tỉnh Tây Bắc thì việc tận dụng lợi thế phát triển du lịch sẽ tạo nhiều cơ hội để người nghèo tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, đồng thời góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, qua nghiên cứu cũng cho thấy, hiện nay tỉnh Lào Cai đã triển khai thí điểm mô hình du lịch dựa vào cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, mô hình thí điểm tại Sín Chải chưa được nhân rộng ra các địa bàn trong tỉnh, trong đó có Sapa. Mô hình phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo mới chỉ theo hướng phát triển các điểm, tuyến du lịch cộng đồng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng, triển khai mô hình du lịch dựa vào cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
ThS. Ngô Thị Huyền Trang
ThS. Trần Thị Tuyết
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)