Phát huy thế mạnh để Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết, du lịch Thanh Hóa đã có những bước phát triển nhanh và mạnh, góp phần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa lịch sử lâu đời, tại Thanh Hóa mọi nơi, mọi chỗ, mọi điều kiện, mọi địa phương trong tỉnh đều có thể phát triển du lịch.
Trong thời gian gần đây, Thanh Hóa cũng nhận được sự đầu tư của các tập đoàn lớn với những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, việc triển khai các dự án về cơ sở hạ tầng đã góp phần thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch. Trong đó, có những dự án quy mô lớn, có khả năng xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa ở tầm quốc gia và khu vực, đóng góp lớn cho kinh tế xã hội của tỉnh như: Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC của Công ty Cổ phần tập đoàn FLC; Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch biển Hải Tiến; Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn, Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời; Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại xã Quảng Nham của Công ty Cổ phần ORG; Flamingo Linh Trường Khu B của Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group...
“Trong hai năm nữa, Thanh Hóa sẽ có cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại bậc nhất với đầy đủ các sản phẩm phong phú, đa dạng như nghỉ dưỡng biển, văn hóa tâm linh, sinh thái cộng đồng…”, Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Thi thông tin.
Tại buổi làm việc, về đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới để phát triển du lịch Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thi mong muốn, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ, phối hợp, tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đưa du lịch Thanh Hóa vào các đề án, chương trình, nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch thuộc các khu vực động lực, các vùng trọng điểm du lịch của cả nước; bổ sung các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Sầm Sơn, Hàm Rồng, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Bến En và Pù Luông) vào danh mục khu du lịch quốc gia; quan tâm cho Thanh Hóa được thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế sau COVID-19: chuyển đổi số; truyền thông và xúc tiến du lịch; đào tạo, đào tạo lại nghề du lịch; được đăng cai và tham gia tổ chức một số sự kiện du lịch do Tổng cục Du lịch chủ trì…
Đánh giá cao sự quyết tâm đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, Thanh Hóa là tỉnh có truyền thống và bề dày lịch sử - vùng đất của địa linh nhân kiệt, cùng lợi thế là địa phương có đầy đủ hạ tầng đường bộ, đường không, đường biển, đường sắt, đây chính là tiềm năng để Thanh Hóa đầu tư phát triển du lịch trong thời gian tới. Đặc biệt, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng là thế mạnh của tỉnh, rất phù hợp trong bối cảnh như hiện nay. Vì vậy, Thanh Hóa cần tập trung vào công tác xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm du lịch để đẩy mạnh phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa, tiến tới trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước.
Về công tác xúc tiến thị trường mở cửa du lịch quốc tế, Tổng cục trưởng cho biết Thanh Hóa cần có những chính sách linh hoạt, thích hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược để làm thay đổi cơ sở hạ tầng chất lượng, hiện đại, đồng thời cần lựa chọn những thị trường tiềm năng phù hợp để tập trung công tác xúc tiến.
Về công tác truyền thông, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho rằng, Thanh Hóa cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, tạo ra sự kết nối khu vực, kết nối điểm đến thông qua 2 kênh truyền thông chính thống của Tổng cục Du lịch là Tạp chí Du lịch và Trung tâm Thông tin Du lịch. Đồng thời Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đề xuất trong thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Thanh Hóa để triển khai những chương trình phát triển du lịch mang tầm quốc gia; hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch Thanh Hóa tại thị trường quốc tế, tham gia các hội chợ du lịch trong và ngoài nước...
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Khách sạn Vũ Văn Thanh cho rằng, Thanh Hóa cần thu hút các nhà đầu tư, xây dựng thương hiệu riêng cho tỉnh. Trong đó, nhân rộng mô hình du lịch sinh thái Pù Luông để phát triển trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp định vị các sản phẩm du lịch.
Để góp phần triển khai các hoạt động để phục hồi, phát triển du lịch Thanh Hóa, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết sẽ chỉ đạo các Vụ, đơn vị chức năng của Tổng cục Du lịch phối hợp, triển khai các hoạt động trong thời gian tới. Từng bước đưa Thanh Hóa là điểm đến mang dấu ấn là điểm nhấn trung tâm du lịch cả nước.
PV