Tiềm năng và lợi thế cho phát triển du lịch Bình Liêu
Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như bãi đá thần ở dãy núi Cao Ba Lanh thuộc xã Đồng Văn; thác nước Khe Vằn với ba tầng thác đổ từ độ cao hơn 100m; thác Khe Tiền - thác nước lớn có phong cảnh rất đẹp; cánh rừng hồi, quế thơm nồng; núi Cao Xiêm là ngọn núi cao nhất Bình Liêu (1.429m) quanh năm mây phủ sương che...
Bình Liêu là một trong những huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước với khoảng 95% dân số là đồng bào dân tộc, gồm 5 dân tộc chính (Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa), tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang bản sắc riêng. Trong đó, người Tày chiếm 58,4% dân số toàn huyện, sống tập trung ở các vùng thung lũng thấp dọc các xã và thị trấn Bình Liêu; người Dao chiếm 25,6% chủ yếu tập trung tại các bản vùng cao, đông nhất là tại xã Đồng Văn; người Sán Chỉ chiếm 15,4% đông nhất ở xã Húc Động... Bình Liêu có những nét văn hóa dân tộc độc đáo vẫn được bảo tồn như nghệ thuật diễn xướng then của dân tộc Tày, hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ… Ngày hội Soóng Cọ ra đời cách đây 300 năm, được tổ chức vào ngày 16/3 (âm lịch) hàng năm là hình thức sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng rất cao, thường được tiến hành trong dịp lễ hội, kết hợp với các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, chơi đu, đẽo đòn gánh... Nghi lễ then cổ của người Tày nằm trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là một sản phẩm tinh thần có giá trị, được lưu truyền qua nhiều thế hệ của đồng bào dân tộc Tày huyện Bình Liêu. Then cổ có sức sống bền bỉ, về bản chất là tích hợp của nhiều nghi lễ như: cầu bình an, may mắn, chữa bệnh, giải trừ hiểm họa, cầu phúc lộc, nghi lễ cấp sắc... hứa hẹn trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo. Lễ hội đình Lục Nà diễn ra từ ngày 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm, kéo dài trong 3 ngày liên tiếp, để tưởng nhớ công ơn người con anh hùng của đất Bình Liêu - Hoàng Cần. Đây là điểm hẹn văn hóa đầu xuân của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Chợ phiên vùng cao Bình Liêu trước đây họp vào những ngày lẻ (3, 5, 7, 11…), ngày nay do nhu cầu mua bán ngày càng nhiều hơn nên chợ chuyển sang họp thường xuyên hơn nhưng đông nhất vẫn là ngày chủ nhật hằng tuần. Thời gian họp chợ từ 7h sáng đến 5h chiều. Nam nữ thanh niên đến chợ là để được thỏa sức vui chơi giải trí, tự tình qua lời ca tiếng hát. Tham gia chợ phiên không chỉ có đồng bào các dân tộc trong huyện mà còn có một số người buôn bán từ khu Đồng Tông - Trung Quốc. Hàng hóa trao đổi trong chợ chủ yếu là các loại nông, lâm, thổ sản do nhân dân trong vùng nuôi trồng. Bên cạnh đó, các món ăn của đồng bào dân tộc như cá suối, thịt ngan đen, trứng vịt bản, măng rừng… cũng là lợi thế cho huyện Bình Liêu khai thác phát triển nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn.
Định hướng phát triển du lịch vùng biên Bình Liêu
Để phân tích, đánh giá thực trạng và định hướng phát triển du lịch tại huyện Bình Liêu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa, thu thập tài liệu thứ cấp, phỏng vấn sâu nhằm thu thập thông tin. Với phương pháp khảo sát thực địa và thu thập tài liệu, nhóm tác giả đã hệ thống hóa các nguồn lực phát triển du lịch Bình Liêu, gồm: (i) tài nguyên du lịch tự nhiên; (ii) tài nguyên du lịch nhân văn; (iii) hệ thống cơ sở lưu trú; (iv) cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; (v) phương tiện vận chuyển du lịch; (v) năng lực cộng đồng và (vi) hiệu quả kinh doanh du lịch.
Với phương pháp phỏng vấn chuyên sâu, nhóm tác giả đã phỏng vấn tổng số 38 người từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có 2 cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Liêu, 15 người dân sống tại các xã Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn, Đồng Tâm, Hoành Mô, 9 khách du lịch và 2 đại diện doanh nghiệp lữ hành.
Trên cơ sở tiềm năng tự nhiên và nhân văn, kết quả phỏng vấn và khảo sát chuyên sâu, nhóm nghiên cứu đề xuất một số định hướng cho phát triển du lịch Bình Liêu trong thời gian tới.
Phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch
Các giá trị đặc trưng cấu thành thương hiệu sản phẩm du lịch gồm: vẻ đẹp nguyên sơ, trong lành và cảm xúc thiêng liêng, hào khí dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc; sự giao hòa văn hóa đa sắc tộc của các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ; cơ hội thông thương qua cửa khẩu Hoành Mô… Thông điệp thương hiệu là: “Bình Liêu - Nơi tình yêu không giới hạn…” với mục tiêu hướng đến cho du khách cảm nhận được tình yêu dành cho Tổ quốc, cuộc sống, thiên nhiên, đất nước và con người... khi đến với Bình Liêu.
Phát triển các nhóm sản phẩm du lịch đặc thù
Nhóm tham quan, khám phá biên giới Việt - Trung: Thị trường hướng tới là khách quốc tế và nội địa lứa tuổi thanh niên và trung niên, có khả năng chi trả từ trung bình trở lên với các hoạt động: tham quan các cột mốc biên giới, leo núi, dạo bộ, chụp ảnh, thưởng thức phong cảnh bình yên, lãng mạn đường biên giới; chinh phục, khám phá các đỉnh núi hiểm trở, mở rộng tầm nhìn và nhân sinh quan về cuộc sống; hoạt động thể thao mạo hiểm: leo núi, dù lượn…
Nhóm tham quan tìm hiểu văn hóa làng bản dân tộc: Thị trường mục tiêu là khách quốc tế và nội địa có khả năng chi trả ở nhiều mức khác nhau, trải nghiệm các hoạt động: giao lưu văn hóa các dân tộc trong Lễ hội hoa Sở (tháng 11 hàng năm), tại chợ tình Đồng Văn (Lễ hội Kiêng gió tháng 4 hàng năm), hát then, đàn tính, thổi kèn; tham quan, mua sắm, giao lưu văn hóa ở các chợ vùng cao (chợ thị trấn Bình Liêu, chợ Đồng Văn); trải nghiệm Lễ mừng Cơm mới, Lễ hội Soóng Cọ; nghỉ cùng nhà với người dân (homestay); thưởng thức đặc sản dân tộc; tham quan cảnh quan, kiến trúc làng bản truyền thống và tìm hiểu phong tục tập quán địa phương tại bản Dao Thanh Phán (sông Moóc), bản Sán Chỉ (thác Khe Vằn), Bản Tày (đình Lục Nà), bản Dao Thanh Y (Nà Nhái)…
Nhóm nghỉ dưỡng, chữa bệnh, hồi phục sức khỏe: Thị trường hướng tới là khách quốc tế và nội địa có khả năng chi trả cao, lứa tuổi trung niên trở lên với các hoạt động nghỉ dưỡng cao cấp tại làng bản truyền thống; chữa bệnh, phục hồi sức khỏe bằng thảo dược (bí quyết tắm nước lá của người Dao); thưởng thức các món ẩm thực có lợi cho sức khỏe được làm từ thực phẩm sạch; yoga, thiền và dịch vụ tư vấn sức khỏe tinh thần; trải nghiệm sự an nhiên, hạnh phúc trong không gian tĩnh lặng và nguyên sơ, trong lành.
Nhóm tham quan - vui chơi giải trí mạo hiểm: Hướng tới thị trường khách nội địa (chủ yếu là khách trong tỉnh) ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, có khả năng chi trả trung bình, tham gia các hoạt động du lịch mang cảm giác mạnh như: leo núi, lượn dù, đua xe địa hình tại các đỉnh núi Cao Xiêm, đỉnh 1305 (Sống lưng khủng long), đỉnh Cao Ba Lanh, đỉnh Cao Ly…; các hoạt động vui chơi giải trí gắn với thác Khe Vằn, Khe Tiền, Song Mooc…
Nhóm công viên vui chơi giải trí chuyên đề: Thị trường hướng tới là khách quốc tế và nội địa có mức chi trả khác nhau, khám phá các công viên chuyên đề: Hoa Sở, Hoa Dong Riềng, Hồi - Quế, Ngô, Lúa, Rượu, Mật Ong, sinh thái Rừng Ngàn Chi để tìm hiểu vẻ đẹp, giá trị của các loại cây, sản phẩm đặc trưng.
Nhóm ẩm thực truyền thống địa phương: tìm hiểu và thưởng thức các món ăn được trang trí bởi các loài hoa (hoa sở, hoa dong riềng), các loại xôi bảy màu, hương hồi, quế…, thịt ngan đen, cá suối, gà bản, miến dong, bánh gật gù…
Nhóm đặc sản, hàng hóa lưuniệm truyền thống: mua các món quà kỷ niệm độc đáo và lãng mạn như: hoa sở, hoa dong riềng, hoa lau, hoa xấu hổ; các loại dầu thơm và sữa tắm làm từ hồi, quế, lá tắm người Dao…
Định hướng phát triển tuyến, điểm và không gian du lịch
Tổ chức tuyến, điểm du lịch nội vùng
Tuyến du lịch biên giới: xuất phát từ thị trấn Bình Liêu, du khách có thể lựa chọn các tour 2 ngày - 1 đêm:
Tour 1: Ăn sáng chợ Bình Liêu - leo cột mốc 1300 (đồi Hạnh Phúc) - đi dạo, thưởng thức vẻ đẹp lãng mạn của đường biên giới từ cột mốc 1300 đến cột mốc 1305; leo mốc 1305 (đồi Tự Do, Sống lưng khủng long) - mua sắm tại mốc 1317 (cửa khẩu Hữu nghị Hoành Mô); leo mốc 1327 (đồi Độc lập).
Tour 2: Ăn sáng chợ thị trấn Bình liêu - mua sắm cửa khẩu Hoành Mô – tham quan mốc 1327 - leo đỉnh Cao Ba Lanh - ngủ đêm tại resort Cao Ba Lanh hoặc cửa khẩu Hoành Mô; tham quan huyện biên giới Trung Quốc qua cửa khẩu Hoành Mô.
Tuyến du lịch văn hóa - sinh thái: xuất phát từ thị trấn Bình Liêu, du khách có thể lựa chọn các tour 2 ngày - 1 đêm:
Tour 1: Chợ Bình Liêu - Bản Tày (đình Lục Nà) - Công viên Hoa Sở - bản Cao Thắng (Dao Thanh Y) - bản Sán Chỉ - Công viên Dong Riềng - Công viên Lúa - thác Khe Vằn, ngủ đêm tại home stay bản Sán Chỉ.
Tour 2: Chợ Bình Liêu - leo đỉnh Cao Xiêm - tắm thác Khe Vằn - tham quan bản Sán Chỉ - Công viên Lúa - Công viên Dong Riềng - săn mây đỉnh Cao Ly - nghỉ đêm homestay tại thác khe Vằn hoặc tại đỉnh Cao Ly.
Tour 3: Chợ Bình Liêu - tắm thác Khe Tiền - leo đỉnh Cao Ba Lanh (hồ Đá Thần) - tắm thác sông Mooc - bản Dao Thanh Phán - Công viên Hồi quế - hồ Đá Thần - Công viên rượu Cao Ba Lanh - giao lưu văn hóa chợ Đồng Văn, nghỉ đêm homestay tại bản Dao Thanh Phán hoặc nghỉ resort tại đỉnh Cao Ba Lanh.
Tour 4: Chợ Bình Liêu - leo đỉnh Cao xiêm - tắm thác Khe Vằn - săn mây đỉnh Cao Ly - tắm thác Khe Tiền - leo đỉnh Cao Ba Lanh (2 ngày - 1 đêm), ngủ đêm tại đỉnh Cao Ly.
Tuyến du lịch thương mại cửa khẩu:
Tour 1: Chợ Bình Liêu - mua sắm cửa khẩu Hoành Mô - giao lưu chợ Đồng Văn - ngủ đêm tại khách sạn cửa khẩu Hoành Mô.
Tour 2: Chợ Bình Liêu - đình Lục Nà (bản người Tày) - cây đa lịch sử Lục Hồn - bản Cao Thắng (người Dao Thanh Y) – mua sắm cửa khẩu Hoành Mô (2 ngày- 1 đêm) - ngủ đêm tại khách sạn ở cửa khẩu Hoành Mô hoặc homestay tại bản Tày.
Các tuyến du lịch chuyên đề: tuyến du lịch sinh thái - mạo hiểm (khám phá trải nghiệm các đỉnh núi Cao Xiêm - Cao Ly - Cao Ba Lanh, khám phá trải nghiệm cảnh quan biên giới và các cột mốc 1300, 1305, 1317, 1327... ); tuyến du lịch văn hóa các dân tộc Bình Liêu (khám phá trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ...); tuyến du lịch chuyên đề về hoa (hoa sở, hoa dong giềng, hoa hồi - quế); tuyến du lịch chuyên đề về đặc sản (mật ong, rượu, hồi - quế); tuyến du lịch chuyên đề về ẩm thực...
Tổ chức tuyến điểm ngoại vùng: kết nối từ Hà Nội qua vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đến Bình Liêu và đến các điểm khác như Trà Cổ, Móng Cái, Lạng Sơn, Phòng Thành (Trung Quốc)… với thời gian từ 2 – 4 ngày mỗi chương trình.
Với vị trí, tài nguyên, cảnh quan, văn hóa sẵn có, Bình Liêu có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Việc định hướng phát triển không gian du lịch huyện Bình Liêu sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn để tạo bước đột phá cho Du lịch Bình Liêu, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
2. Báo cáo tổng kết của UBND tỉnh Quảng Ninh các năm 2017 - 2019
3. Báo cáo tổng kết của Sở Du lịch Quảng Ninh các năm 2017 - 2019
4. Kết quả khảo sát hiện trạng phát triển, tài nguyên du ịlch của nhóm nghiên cứu tại Bình Liêu, năm 2019...
TS. Lê Thu Hương
ThS. Lê Thị Hồng
Tô Thị Nga
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 10/2021)