Quảng Ninh không đặt vấn đề “dừng hoạt động du lịch” mà sẽ tổ chức một cách khoa học để đảm bảo an toàn cao nhất
Ông đánh giá thế nào về hoạt động du lịch của Quảng Ninh từ khi mở lại du lịch nội tỉnh và liên tỉnh?
Với việc giữ địa bàn an toàn, Quảng Ninh từng bước mở cửa du lịch. Có thể nói, Quảng Ninh là tỉnh mở lại hoạt động du lịch sớm nhất (du lịch nội tỉnh mở từ 21/9). Việc “tái khởi động” du lịch đã kích hoạt tiêu dùng rất mạnh mẽ, tạo luồng sinh khí mới trong kinh tế, xã hội.
Quảng Ninh có cách làm rất riêng, nội tỉnh bắt đầu từ việc vận động các chương trình người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng các dịch vụ, hàng hóa tại địa bàn, trong đó có du lịch, vì vậy sự hưởng ứng của các tập đoàn lớn, cơ quan, xí nghiệp… tạo một sự “chuyển động” rất mạnh trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, tỉnh có chủ trương đón khách ngoại tỉnh từ đầu tháng 11.
Tại thời điểm mở lại du lịch, dịch COVID-19 vẫn khá phức tạp ở một số nơi, tuy nhiên quan điểm của tỉnh là xây dựng tiêu chí an toàn hàng đầu, kiểm soát chặt chẽ nên có thể yên tâm. Các đoàn khách du lịch từ tỉnh khách đến Quảng Ninh phải đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, trong đó mũi thứ hai đủ 14 ngày; với khách mới tiêm 1 mũi thì cần phải có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ. Tại các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu phòng dịch theo nguyên tắc 5K…
Thời điểm này, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, trong đó có một số nơi trên địa bàn tỉnh, vậy Quảng Ninh có tính đến việc điều chỉnh phương án đón khách?
Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp hơn trước, nhưng Quảng Ninh chưa đặt vấn đề là phải dừng lại, đóng cửa du lịch, mà chúng tôi sẽ tổ chức một cách khoa học, bài bản để làm sao vừa duy trì hoạt động du lịch vừa đảm bảo an toàn cao nhất cho cộng đồng, du khách. Đó là điều Quảng Ninh đã và tiếp tục triển khai. Để làm việc đó thì Quảng Ninh xây dựng những bộ tiêu chí có lẽ là đầy đủ nhất trong việc xác định thế nào là đảm bảo an toàn, rồi những điều kiện các doanh nghiệp phải thực hiện, kể cả đơn vị lữ hành; và trên nền tảng của du lịch nội địa, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng với Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) để xây dựng kế hoạch đón khách quốc tế, với tinh thần từng bước, vững chắc, làm sao để đảm bảo an toàn, bền vững, tạo công ăn việc làm cũng như thúc đẩy du lịch trong thời gian tới.
Như vậy, Quảng Ninh sẽ không thay đổi mục tiêu phấn đấu đón từ 1,5 -2 triệu khách trong thời gian từ nay đến cuối năm?
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, và xa hơn nữa thì dịch vụ vẫn sẽ là ngành chủ đạo, du lịch là mũi nhọn. Không vì chịu tác động bởi COVID-19 mà thay đổi định hướng phát triển của ngành du lịch, dịch vụ.
Với mục tiêu phấn đấu thu hút khách du lịch đến tỉnh trong quý IV/2021 là 1,5-2 triệu lượt, dự kiến từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nhằm kích cầu du lịch, thu hút du khách.
Ví dụ, Lễ công bố bảo vật quốc gia gắn với chương trình “Yên Tử - về miền đất Phật mùa thu năm 2021”; Hội chợ OCOP Quảng Ninh; Carnaval mùa đông; công bố các sản phẩm, gói kích cầu du lịch... với thông điệp “Du lịch Quảng Ninh an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.
Quảng Ninh sẽ “làm mới” mình ra sao để tiếp tục thu hút khách du lịch giai đoạn “hậu COVID-19”, thưa ông?
Trong điều kiện bình thường (không COVID-19) một năm Quảng Ninh đón trên 10 triệu khách du lịch trong nước và ngoài nước. Chúng tôi xác định 4 trụ cột du lịch, đó là du lịch biển; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch cộng đồng và du lịch biên giới.
Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian tới Quảng Ninh sẽ chú trọng đến loại hình du lịch cộng đồng, miền núi biên giới, bởi nhiều ý nghĩa quan trọng cùng những giá trị tích cực, làm cho tính đa dạng, phong phú về sản phẩm du lịch Quảng Ninh tăng lên, mang tới nhiều lựa chọn, cũng như sắc thái riêng cho du khách…, không chỉ mở cơ hội để khách trải nghiệm, cảm nhận (khách nội địa hay nước ngoài đều mong muốn được trải nghiệm những cái khác biệt; từ đó có thể kéo dài thời gian lưu trú của khách) mà điều đặc biệt quan trọng là du lịch cộng đồng ở miền núi vùng xa, biên giới hải đảo – những nơi còn nhiều khó khăn - sẽ góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân vùng “phên dậu”…
Xin cảm ơn ông!
Việt Hùng (thực hiện)
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”