Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19
Hội nghị có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu gồm đại diện một số Bộ, ban, ngành Trung ương: Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI...; cùng đại diện các sở, ngành Thành phố; các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, doanh nghiệp đang hoạt động tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp được thẳng thắn chia sẻ và đối thoại. TP. Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại Hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của Thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kết quả giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua; giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhưng 9 tháng đầu năm 2021, Hà Nội duy trì tăng trưởng GRDP đạt 1,28%. Báo cáo cho biết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là trong tháng 7, 8, 9 các lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải, vui chơi giải trí... suy giảm mạnh. Sang tháng 10/2021, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, tuy nhiên lũy kế 10 tháng vẫn giảm sâu hoặc tăng thấp so với kế hoạch.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10 tăng 59,8% so với tháng 9 và tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2020; Lũy kế 10 tháng đầu năm giảm 7,8% (cùng kỳ tăng 2,2%). Trong 10 tháng đầu năm 2021, có 19.848 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 17,16 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư nước ngoài 1,21 tỷ USD. Thu ngân sách 10 tháng đạt 215 nghìn tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán Trung ương giao và 85,7% dự toán của Thành phố, tăng 7,6% so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội.
Trong lĩnh vực du lịch, khách du lịch quốc tế tháng 10 giảm 47,2% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng giảm 81,7% (cùng kỳ giảm 79,9%). Khách du lịch trong nước tháng 10 giảm 75,5%; lũy kế 10 tháng giảm 24,7%. Trên 40% cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề; nhiều lao động tạm thời không có việc làm hoặc làm việc cầm chừng, bán thời gian; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao khoảng 21%, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020.
Song song với công tác phòng, chống dịch, các nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển sản xuất, kinh doanh, các sinh hoạt của người dân, hoạt động của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng được Thành phố đặc biệt quan tâm. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 1/9/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố; các nghị quyết của Chính phủ: số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; các văn bản, chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngày 1/11/2021 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022 và 2023.
Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính: (1) Hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. (2) Bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách Thành phố. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. (3) Đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển; Đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững. Theo Kế hoạch, 5 nhóm giải pháp được đưa ra gồm: Kiểm soát dịch COVID-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế; duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách; phục hồi và phát triển ngành, lĩnh vực, xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn với dịch COVID-19 và kế hoạch phục hồi, phát triển; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thành lập một số tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đầu tư công; cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Hội nghị đã khảo sát hơn 28.000 đơn vị, trong đó có 250 ý kiến và kiến nghị cụ thể của các lĩnh vực khác nhau, phân chia thành 11 nhóm vấn đề khó khăn vướng mắc: tiếp cận vốn, thủ tục hành chính, đất đai, mặt bằng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá và nguyên liệu đầu vào, chế độ bảo hộ cho người lao động phòng chống dịch, chi phí cho phòng chống dịch, khó khăn tiếp cận chính sách… Với các phiên thảo luận đi vào thực chất, Hội nghị ghi nhận 10 ý kiến trực tiếp của đại diện cho các ngành hàng và hiệp hội và 3 ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan, tập trung các phương pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, phân chia cụ thể theo nhiều lĩnh vực như: lĩnh vực đầu tư, xây dựng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch… Đối với lĩnh vực du lịch, đại diện các doanh nghiệp quan tâm tới các chính sách hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như: chính sách thuê mặt bằng, miễn giảm thuế nộp thuế, vay vốn tiếp cận vốn; chính sách kích cầu và kế hoạch mở cửa du lịch của thành phố để đón khách… Liên quan tới lĩnh vực văn hóa, một số ý kiến doanh nghiệp cho rằng cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa, xây dựng các công trình văn hóa mang dấu ấn đặc trưng của Hà Nội…
Qua Hội nghị, TP. Hà Nội tiếp thu toàn bộ ý kiến các đơn vị, chắt lọc để giải quyết tháo gỡ, bám sát tiến độ; đồng thời, trình cấp có thẩm quyền cao hơn để tháo gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục chung tay tìm giải pháp thiết thực nhất trong việc vượt khó, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Hoa Trang