Hội thảo có sự tham dự của Tổng cục Du lịch, đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, Sở quản lý Du lịch các địa phương, Hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp du lịch…
Việt Nam là đất nước nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn, cùng với đó là truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với nền sản xuất sinh thái nông nghiệp văn minh lúa nước, do vậy, việc khai thác các loại hình du lịch liên quan đến nông nghiệp có tính chất bao trùm và chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng thể hoạt động của ngành Du lịch.
Hiện nay, ngành Du lịch đang cần xây dựng những sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là những sản phẩm nổi trội từ trong nông nghiệp nhằm phát triển du lịch hướng tới cộng đồng, góp phần bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường.
Du lịch và nông nghiệp đang được Đảng và Nhà nước xác định ưu tiên phát triển trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian tới, chính sách xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp chất lượng cao sẽ là điều kiện thuận lợi để hình thành sản phẩm du lịch có chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh cho phát triển du lịch.
Tuy nhiên, việc xây dựng sản phẩm, khai thác nông nghiệp để du lịch nông nghiệp thực sự phát triển mới ở giai đoạn bước đầu, các đơn vị kinh doanh du lịch còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Để phát triển du lịch nông nghiệp trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có những định hướng và bước đi mới, trong đó cần có sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan trong mô hình phát triển, đó là nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, nông nghiệp và thương mại để tạo ra được sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng và tính chuyên nghiệp cao trên cơ sở khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền và sự sáng tạo của công nghiệp hiện đại.
Hội thảo đã tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển và các giải pháp khai thác hiệu quả loại hình du lịch nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và truyền thông về các vấn đề liên quan để thúc đẩy hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển; hỗ trợ quảng bá, nhân rộng những mô hình kinh doanh du lịch nông nghiệp thành công; định hướng cung cấp thông tin có chất lượng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về loại hình du lịch nông nghiệp ở Việt Nam; đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn; nghiên cứu công tác marketing sản phẩm du lịch nông nghiệp tạo các thị trường… Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm phát triển du lịch nông nghiệp trong thời gian tới:
- Quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau
- Tuyên truyền, quảng bá có hiệu quả những mô hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp và nhân rộng những mô hình này trên địa bàn cả nước
- Cần sự vào cuộc của cả hai ngành Du lịch và Nông nghiệp, cùng với đó là các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp
- Xây dựng thương hiệu du lịch nông thôn phải gắn với chất lượng dịch vụ và công tác bảo tồn bản sắc văn hóa
- Cần có những chính sách đặc thù, ưu tiên của Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương khuyến khích loại hình du lịch nông nghiệp phát triển
- Tăng cường liên kết giữa nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà quản lý để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.
Hội thảo giới thiệu nhiều mô hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp hiệu quả như: Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tại các làng nông nghiệp truyền thống vùng Ba Vì (Hà Nội) của Trang trại Đồng quê Ba Vì; Mô hình du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Hồng đang triển khai tại Ninh Bình của Công ty Du lịch Ngôi sao Ninh Bình; Mô hình du lịch cộng đồng – kinh nghiệm cho phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam của Công ty CBT Việt Nam; Mô hình phát triển du lịch nông nghiệp ở Đài Loan. |
Anh Minh