Định Farm (P.8, Đà Lạt) là một vườn nông sản không lớn do nông dân Nguyễn Định lập ra. Không am hiểu nhiều về công việc quảng bá nhưng ông Định hi vọng nông sản của mình sẽ được nhiều người biết đến thông qua kênh du lịch.
Ông quyết định trồng giống dưa Nam Mỹ Pepino và giống ớt sừng bò Bullhorn có nguồn gốc từ Hà Lan vì: “Tôi nghĩ du khách sẽ tò mò”.
Ngay khi vườn nông sản của ông bắt đầu bói trái, ông Định dựng bảng hiệu mời du khách tham quan. Hơn cả điều ông mong đợi, dưa và ớt do ông trồng bán rất nhanh. Du khách mua chờ chín chứ không phải đợi chín mới mua.
Ông Định tính toán kỹ: “Mình không có công nghệ sau thu hoạch tốt nên mình chọn loại nông sản không những đặc biệt mà còn có thể bảo quản lâu, dễ dàng”.
Khu vườn của ông Định giờ như một cửa hàng nông sản nhỏ, du khách tới đó mua dưa, ớt và chụp hình lưu niệm. Ông đã làm nhãn rau để sau khi du khách mua xong thì chụp đưa lên trang cá nhân của
mình khoe.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch HĐQT Công ty nông sản An Phú Đà Lạt - được biết đến như là người chuyên canh tác rau củ tí hon.
Thời điểm này, nông sản tí hon còn xa lạ với thị trường Việt Nam. Lợi thế của một người thường xuyên đi Mỹ để chăm sóc thị trường xuất khẩu trái cây, ông Thành liên tục nhập giống cà rốt, dưa leo, củ cải baby, cà chua cocktail, cà chua ngọc trai đen và trắng.
Khi những loại nông sản này cho thu hoạch, ông Thành làm một việc gây chú ý thời điểm đó: bán gói quà tặng nông sản và được du khách nhiệt thành ủng hộ. Gói quà tặng vẫn được ông Thành duy trì đến nay.
Ông Thành nói: “Nông sản đặc sản được xem là quà lưu niệm từ lâu ở nhiều nước có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển. Các mặt hàng lạ, có tính đặc trưng của địa phương ra đời liên tục khiến du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác mỗi khi thăm vườn”.
Ông Thành cho rằng bán nông sản cho du khách là mang cho khách giá trị tiêu dùng, lưu niệm còn mình được giá trị quảng bá.
“Thương hiệu của mình được du khách mang đến nhiều vùng miền khác nhau một cách tự nhiên” - ông Thành cười.
Nguồn: Tuoitre.vn