Đoàn khảo sát do Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Nguyễn Đạo Dũng làm trưởng đoàn, cùng gần 50 thành viên là các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành cùng đại diện nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã khảo sát thực tế các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại các điểm đến mới ở Cao Bằng, tập trung ở các huyện vùng biên giới như Phục Hòa, Thạch An, Quảng Uyên, Nguyên Bình...
Ngày đầu tiên, đoàn đã tới xóm Bản Giuồng thuộc xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa) - nơi có lễ hội nàng Hai của người Tày vừa được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 20/6/2017. Xóm Bản Giuồng nằm ở phía Nam của xã Tiên Thành, là xóm có cả 3 dân tộc cùng sinh sống (Tày, Nùng, Mông). Xóm có con suối Giuồng chảy qua và có mỏ nước đầu nguồn sạch mát, hệ thống nước tự chảy được đầu tư đến 100% hộ gia đình, đường giao thông nội xóm cơ bản đã được bê tông hóa. Bên cạnh đó, xã Tiên Thành còn có nhà máy thủy điện đang được thi công, có các hang động Ngườm Riềm (hang Diêm), Ngườm Mu (hang Lợn), Ngườm Mí... có nhiều nét độc đáo, kỳ vĩ được thiên nhiên ban tặng; có khu di tích Bệnh viện dã chiến tại Bình Lâu nơi Bác Hồ đến thăm thương binh bị thương tại chiến dịch Đông Khê năm 1950 đã được quy hoạch...
Cũng ở huyện Phục Hòa, đoàn di chuyển sang thị trấn Hòa Thuận, khảo sát tại xóm Bó Tờ - được biết đến là cái nôi của làng nghề truyền thống mía đường. Làng nghề thủ công này có từ những năm 50 của thế kỷ trước, được truyền từ đời này sang đời khác. Tại đây, đoàn đã chứng kiến các công đoạn ép mía, nấu đường mật, đóng khuôn để tạo nên sản phẩm đường phên Bó Tờ. Ngoài ra, ở Bó Tờ còn có nhà thờ Bó Tờ với kiến trúc nhà sàn dân tộc mang đặc trưng của văn hóa vùng cao, được xây dựng vào khoảng năm 1995, xây mới vào năm 2005. Buổi tối đoàn tới thị trấn Tà Lùng, nơi có chùa Trúc Lâm (trước gọi là Phia Khoang) linh thiêng được hình thành từ trước năm 1945.
Sang ngày thứ hai, đoàn tiếp tục khảo sát các điểm đến tại các xã Cách Linh, Hồng Đại và Triệu Ẩu của huyện Phục Hòa. Xã Cách Linh có đền thờ Trần Duy Trân (còn gọi là miếu Ngườm Pục, miếu Quan Chẻng) gắn với lễ hội xuống đồng 19/3 âm lịch; có khu chợ với nghề phở truyền thống và món vịt quay mang dấu ấn ẩm thực nơi đây. Xã Hồng Đại có dòng sông xanh mát chảy qua 4 xóm là Tà Lạc, Thua Khua, Nà Pài, Hương Lỵ, là một nhánh của sông Bằng Giang, nước trong vắt lại có những đoạn dốc cao thấp tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp hai bên bờ sông. Đặc biệt, tại xã Triểu Ẩu, đoàn khảo sát xóm Bản Buống - quê hương của anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn. Bên cạnh những giá trị ý nghĩa về lịch sử, Bản Buống - Triệu Ẩu còn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với sông Bắc Vọng và Vị Vọng, thác Thoong Kheo ở xóm Nà Lòa, thác Thoong Khao ở xóm Phia Chiếu, thác Thoong Rung - Thoong Giảo ở xóm Nà Sao, hang động Ngườm Vài nằm sâu trong thung lũng đã từng là nơi trú ẩn an toàn trong chiến tranh biên giới năm 1979. Triệu Ẩu còn có những lễ hội mang đậm nét dân tộc Tày - Nùng như lễ hội cầu mùa tại xóm Bản Bo, lễ hội lồng tồng tại xóm Bản Buống... cùng với những đặc sản ẩm thực truyền thống như bánh gio, bánh trôi, xôi trám đen, lợn quay móc mật... sẽ khiến thực khách khó quên khi ghé nơi đây.
Giáp với Phục Hòa là huyện Thạch An, nơi có cụm di tích Bác Hồ với chiến dịch biên giới 1950. Tại đây, đoàn khảo sát đã làm lễ dâng hương tại nhà lưu niệm Bác Hồ, leo gần 1.000 bậc thang luồn qua hang động theo sườn núi để lên tới điểm Báo Đông - nơi Bác Hồ quan sát trận địa pháo Đông Khê và một số căn cứ của chiến dịch Đông Khê thuộc xã Đức Long. Tuy nhiên, đường xá tại các huyện vùng biên Cao Bằng đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về mùa mưa, rất cần được sự quan tâm đầu tư hơn nữa để có thể phát triển thành những khu du lịch thu hút du khách.
Theo lịch trình, đoàn sẽ tiếp tục khảo sát các tuyến điểm ở Cao Bằng: tham dự lễ hội du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh), khảo sát làng rèn du lịch cộng đồng Pác Rằng (xã Phúc Sen) và làng làm Hương Phja Thắp (xã Quốc Dân) của huyện Quảng Uyên thuộc tuyến du lịch phía Đông Công viên địa chất non nước Cao Bằng; khảo sát điểm ngắm cảnh lưng Rồng, đỉnh Phja Oắc, nhà biệt thự Pháp, mỏ Lũng Mười, cơ sở miến dong Cốc Phường, điểm du lịch sinh thái Kolia (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) thuộc tuyến du lịch phía Tây Công viên địa chất non nước Cao Bằng; trong đó, dành một ngày để xuất cảnh qua cửa khẩu Tà Lùng sang thị trấn Long Châu (Trung Quốc), khảo sát Bảo tàng Hồ Chí Minh tại đây.
Trong khuôn khổ chương trình khảo sát cũng diễn ra các tọa đàm: “Đánh giá tài nguyên và khả năng khai thác phát triển du lịch huyện Phục Hòa”, “Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Cao Bằng”... nhằm tìm kiếm những giải pháp để có thể thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút du khách về với các huyện vùng biên Cao Bằng.
Hoa Trang