(VTR) - Chuyện kể rằng, miền đất này lắm người giàu muốn góp tiền xây nhà thờ và cung điện quá, vị Đại đế không biết chọn ai, bèn bảo, nơi này có nhiều sông ngòi, các vị nhớ chở gạch đá theo đường sông đến cho chúng tôi. Khi các thuyền “cự phú” đỗ la liệt dưới dòng nước Neva, triều đình bèn yêu cầu các gia tộc giàu có cho ném toàn bộ nguyên vật liệu “cung tiến” của mình lên bờ. Thế nên khắp nước Nga có nhiều cung điện, họ giàu có và dát vàng, đính kim cương khắp nơi, từ chóp cung điện ở khu vực điện Kremly, đến quảng trường Đỏ, cung điện Optina, nhà thờ Chúa cứu thế, các kỳ quan thế giới ở “Thành phố cung điện” Saint Peterburg, thôi thì chỗ nào cũng vàng rực, dát và ốp vàng “tứ tung ngũ hoành”. Đó là chưa kể đến các cung điện Mùa Hè, Mùa Đông, Mùa Thu.
Cục vàng, cục kim cương ở khu trưng bày báu vật quốc gia Nga nằm gần điện Kremly, khi tôi qua các vòng kiểm soát an ninh nghiêm ngặt đến mức phải tháo rời cả ống kính máy ảnh ra để soi khám; vừa bước vào, người quản lý đã mỉm cười kiêu hãnh: khối vàng rồi khối kim cương “nguyên đai nguyên kiện” mà người Nga đào được kia, nó to đến mức, chúng tôi xếp một dãy ở kia kìa, bạn nào đủ sức khênh chúng ra khỏi kho báu thì chúng tôi biếu luôn. Nó nặng tới mức, về Việt Nam rồi, viết lại, tôi có kể ra đây cũng chẳng ai tin.
Ở cung điện Mùa Hè ở Saint Peterburg, thậm chí gần 200 cái đài phun nước cũng ốp vàng, các bức tượng cũng như tạc bằng vàng ròng óng ả; hệ thống đài phun nước và cả cung điện thông ra vịnh Phần Lan bảng lảng sương biển. Người ta xẻ tung cả đại dương, dẫn một con kênh nước mặn thẳng tắp, đắp các ông tượng ở trần truồng dát vàng đứng ôm các đài phun nước.
Saint Peterburg, nơi được mệnh danh là “Thành phố của những cung điện”, thành phố thánh Phero, nơi được Pyotr Đại đế xây dựng từ 300 năm trước. Bên các con phố, trong cái kỳ ảo của đêm trắng phương Bắc (nơi không có đêm, trời luôn sáng 24/24), tôi như nhảy cẫng lên trước một hiện tượng thiên nhiên mà quê mình chưa bao giờ xuất hiện. Tôi lại lẩn mẩn bên cung điện Mùa Đông dài rộng kỳ vỹ đến rợn ngợp.
Một thế kỷ trước, người Nga đã chui xuống 85m sâu dưới lòng đất để đào bới, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm vươn khắp thủ đô mênh mông. Bây giờ, mỗi ngày có 8,5 triệu lượt người đi dưới lòng đất Matxcơva. Nó có tới 196 nhà ga, 328km nằm trọn dưới lòng đất! Mỗi cửa ga đều là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt. Họ gọi đó là những bảo tàng nghệ thuật, những cung điện trong lòng đất.
Ở nước Nga, cái gì cũng to. Đường sắt đi Seberia thì (lại) nhất thế giới một lần nữa. Nó đi qua tới 87 thành phố, bạn có thể ngồi tàu liên tục 7 ngày đêm, qua nhiều múi giờ và các vùng khí hậu ngược nhau 100%, trải dài từ khu vực châu Âu đến vùng Viễn Đông của Nga.
Bức tranh tròn Borodino được vẽ theo lối “độc nhất vô nhị” sau 100 năm kể từ ngày nguyên soái Kutuzov của Nga cầm quân huyết chiến với đại binh của Napoleon 1 đến từ nước Pháp. Tranh trông như thật, với cả mùi vị, cả khói, xác người và xác động vật hiện lên kiểu 3D, cả phối cảnh hiện vật thật nữa, nó giăng quanh các tường thành quây tròn dài 115m (với 4.000 nhân vật!), mà người xem ở giữa, đi vòng rồi chóng mặt, rồi thổn thức trước sự sinh động và khốc liệt của chiến tranh.
Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
(Tạp chí Du lịch)