Có dịp đến thăm các bản làng Vân Kiều, phía tây dãy Trường Sơn, chúng ta rất dễ nhận thấy rằng, những ngôi nhà sàn, mái lá đơn sơ, đã được thay thế bằng những mái tôn, fi-bờ-rô xi măng, cột nhà bằng bê tông, cốt thép, cho đến các phong tục văn hóa, các làng nghề dần bị lãng quên trong đời sống sinh hoạt của bà con.
Bản Ka Lu thuộc xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) là một trong những bản cổ truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, cùng sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhịp sống hiện đại, khá nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của người dân nơi đây cũng dần thay đổi. Chính vì vậy, việc lưu giữ, phục dựng lại nếp nhà sàn, các phong tục văn hóa truyền thống xưa kia là điều hết sức cần thiết.
Ấm cúng những ngôi nhà sàn truyền thống
Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người, phù hợp với tình hình thực tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Trị đã triển khai Dự án bảo tồn bản truyền thống Ka Lu, thuộc xã Đakrông, huyện Đakrông.
Theo đề án này, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị đã đầu tư tôn tạo 17 ngôi nhà sàn truyền thống ngày xưa. Bước sang giai đoạn 2 sẽ tiếp tục phục dựng 21 nhà và giai đoạn 3 là 28 nhà.
Sau gần hai năm triển khai, Dự án khôi phục lại ngôi nhà theo kiểu truyền thống của bà con Bru-Vân Kiều, huyện Đakrông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đáp ứng được niềm mong mỏi bấy lâu của người dân địa phương.
Đã từ rất lâu rồi, ông Hồ Thanh Màn ở bản Ka Lu, xã Đakrông, mới được ở trong ngôi nhà truyền thống của chính dân tộc mình. Đây là ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng các vật liệu trong tự nhiên. Không dấu được sự vui mừng, ông Màn cho biết: “Theo thời gian, những người Vân Kiều ở đây không làm nhà theo kiểu truyền thống như thế này, bởi nó rất kỳ công và tốn kém, nhất là phần mái bằng lá mây. Thế nên, bà con chủ yếu lợp bằng tôn, fi-bờ-rô vì nó dễ mua ở bên ngoài. Được dự án hỗ trợ khôi phục lại nhà theo kiểu truyền thống ngày xưa, không chỉ bản thân tôi mà nhiều bà con nơi đây rất phấn khởi”.
Được sinh sống trong ngôi nhà mới khang trang, là niềm mong mỏi bấy lâu của bà Hồ Thị Đai (75 tuổi, xã Đakrông). Bà Đai bày tỏ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành thì gia đình tui mới được đầu tư dựng nhà mới, được sinh sống trong ngôi nhà sàn truyền thống. Từ nay việc sinh hoạt sẽ trở nên thoải mái hơn, bởi nhà rất rộng và thoáng đãng”.
Những ngôi nhà sàn của người Vân Kiều được phục dựng nguyên trạng với kiểu nhà truyền thống trước đây và chủ yếu sử dụng vật liệu gỗ, tranh, tre, mây, nứa, lá…Nhà gồm có 3 gian nên sẽ rất thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân. Đặc biệt là các gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống.
Chị Hồ Thị Đơn - người dân bản Ka Lu cho biết, ở nhà gỗ, mái lợp bằng tranh, lá mây sẽ mát mẻ hơn nhiều. Về mùa đông cũng ấm hơn so với nhà mái tôn. Trước đó, do chưa có điều kiện để xây dựng nên bà con đành chấp nhận. Nhưng từ khi có nhà mới, người dân trong bản mừng lắm.
Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc
Có thể nói rằng, bản Ka Lu là không gian văn hóa truyền thống thu nhỏ của người Bru - Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị. Ở đây tập trung nhiều ngành nghề truyền thống và những giá trị cổ còn được lưu giữ như nghề đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc bản địa...
Là địa phương nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) lịch sử, tuyến QL 9 huyết mạch, có cầu treo Đakrông, cùng với đó là nhiều địa danh lịch sử, văn hóa quan trọng nên dự án được triển khai xây dựng ở bản Ka Lu, xã Đakrông cũng nhằm quy hoạch vùng này trở thành điểm du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Mục đích chính dự án hướng tới cũng nhằm bảo tồn lâu dài các giá trị văn hóa truyền thống của người Vân Kiều như: xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà trưng bày bảo tàng dân tộc học, cũng là nơi biểu diễn, sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các lễ nghi, lễ hội của dân bản Kalu; Bảo tồn và phát triển môi trường sinh thái xây dựng cảnh quan; Bảo tồn Động Ngài để phục vụ khách tham quan du lịch…
Trong lộ trình phát triển Ka Lu trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách, điều cần thiết là phải lưu giữ, bảo tồn cho được các phong tục tập quán, lễ nghi sinh hoạt, văn hoá cộng đồng và trong lao động sản xuất.
Bên cạnh đó, để bản Ka Lu hoạt động bài bản và chuyên nghiệp, níu bước du khách, ngoài sự đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo tồn văn hoá truyền thống, thì ngành du lịch Quảng Trị cần quan tâm đầu tư tập huấn, đào tạo để người bản địa có kiến thức, sự tự tin và chuyên nghiệp trong phục vụ du khách.
Nếu hoàn thiện dần và lưu giữ được các yếu tố nói trên sẽ góp phần xây dựng bản Ka Lu trở thành một bản văn hóa, du lịch sinh thái cộng đồng đặc sắc của không riêng tỉnh Quảng Trị mà còn đại diện cho cộng đồng người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở miền tây Trường Sơn.
Nguồn: dantri.vn