Mới đây, Phó Tổng Giám đốc điều hành Savills Việt Nam – ông Troy Griffiths đã đưa ra những nhận định về sự phát triển của Du lịch Việt Nam, bài viết bao gồm những nội dung diễn giải, số liệu nghiên cứu về sự tăng trưởng du lịch Việt Nam, cũng như các vấn đề về hạ tầng, sân bay…
Tạp chí Du lịch xin trân trọng giới thiệu bài viết này. Tiêu đề do tòa soạn đặt
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2016 có khoảng 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đà tăng trưởng này dự kiến được kéo dài, góp phần khẳng định thêm sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam với vị thế là điểm đến du lịch nổi bật trong khu vực Đông Nam Á.
Tăng trưởng du lịch Việt Nam
Tuy số liệu khá ấn tượng, nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới bằng một nửa so với lượng khách tham quan những điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia… Dù vậy, sự chênh lệch này vẫn thể hiện tiềm năng lớn khi số lượng khách du lịch quốc tế đã tăng gấp 3 lần trong thập niên vừa qua. Trong năm 2016, tăng trưởng 26% (theo năm) đã cho thấy Việt Nam vượt trội hơn so với những điểm đến khác trong khu vực. Với địa hình đa dạng, phong phú cùng các loại khí hậu tiểu vùng, Việt Nam cũng thu hút được nhiều nhóm khách du lịch nhờ lợi thế này.
Trung Quốc và Nga là hai thị trường du lịch phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Khách Nga được miễn thị thực du lịch và họ ưa thích việc nghỉ dưỡng tại Việt Nam, vì chi phí thấp hơn so với các điểm đến khác trong khu vực. Ngay cả khi đồng Rúp mất giá, khách du lịch Nga đến Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm.
Tầng lớp trung lưu đang tăng ở Trung Quốc tạo nên nguồn cầu lớn cho du lịch quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN, nơi có chi phí du lịch hợp lý. Trong năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc với mục đích công tác và du lịch, tăng 50% so với năm 2015. Khách du lịch Trung Quốc đến ASEAN được dự báo tăng gấp đôi trong 10 năm tới (Goldman Sachs, 2015).
Thu nhập hộ gia đình và cá nhân tăng mạnh trong 5 năm vừa qua đã góp thêm 15% tăng trưởng vào du lịch nội địa của Việt Nam. Hàng không giá rẻ là chất xúc tác cho tăng trưởng, và từ năm 2014 đến 2016, Vietjetair đã tăng đội tàu bay từ 18 lên 45 chiếc.
Ngoài ra, để khuyến khích tăng trưởng du lịch, chính phủ đã chấp thuận thí điểm cho công dân Việt Nam tham gia các hoạt động giải trí trong casino với những điều kiện nhất định. Trong khi các trò chơi có thưởng vẫn được xem là vấn đề nhạy cảm, quyết định mới này thể hiện sự “nới lỏng” cho việc hỗ trợ tăng trưởng du lịch và mở rộng khả năng cạnh tranh khu vực.
Cho đến năm 2016, nguồn cung lưu trú cho du lịch được xếp hạng tại Việt Nam tăng 18% theo năm, đạt 420.000 phòng, phù hợp với sự phát triển của ngành Du lịch. Tăng trưởng du lịch đang tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường khách sạn, đặc biệt là phân khúc tầm trung và cao cấp. Từ năm 2013 đến 2016, nguồn cung khách sạn 4-5 sao tăng trung bình 20% hàng năm để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế cho các khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc – Những trọng điểm du lịch mới bên cạnh TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội
Là những trung tâm kinh tế lớn nên thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) và Hà Nội hấp dẫn lượng lớn khách du lịch. Khách hội nghị (MICE) và khách công vụ chiếm hơn 40% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong năm 2016, TP. HCM đón khoảng 5 triệu khách và Hà Nội đón khoảng 4 triệu khách.
Là những điểm đến duy nhất có đường bay quốc tế trước đây, thế nhưng hiện tại, khách đến TP. HCM và Hà Nội đang giảm vì sự gia tăng số đường bay và công suất của nhiều chuyến bay thẳng đến những thành phố trọng điểm khác. Bên cạnh đó, việc tăng cường sự thuận tiện cho du lịch đã khiến Việt Nam nhìn chung trở nên hấp dẫn. Các điểm đến du lịch biển mới nổi như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc đang trở nên cạnh tranh hơn, khi phát triển nhiều chuyến bay thẳng quốc tế mới. Hà Nội vẫn là cửa ngõ cho khách du lịch đến các tỉnh phía Bắc, tương tự TP. HCM vẫn là cửa ngõ cho khách du lịch đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi đó các tỉnh miền Trung tự chủ đón khách du lịch.
Trong năm 2016, các thành phố nghỉ dưỡng và đảo của Việt Nam đã vượt qua TP. HCM và Hà Nội trong tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Với vị trí đảo biệt lập khí hậu nhiệt đới đặc trưng, Phú Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn và là lựa chọn mới cho khách du lịch quốc tế, với tốc độ tăng trưởng khách đến 40%. Trong khi đó, Đà Nẵng trên 30%, và Nha Trang ở mức 23%, cũng vượt qua tốc độ tăng trưởng của TP.HCM (10%) và Hà Nội (19%).
TP. HCM có nguồn cung khách sạn lớn nhất Việt Nam, xấp xỉ khoảng 16.000 phòng khách sạn 3-5 sao, hơn 70% so với Hà Nội. Trong năm 2016, cả hai đều có công suất khoảng 70%, nhưng tỷ lệ nguồn cung tương lai sẽ khác nhau. Trong ba năm tới, TP. HCM sẽ cung cấp 3.500 phòng mới, tăng 22%. Áp lực nguồn cung sẽ cao hơn ở Hà Nội, với nguồn cung trong tương lai chiếm đến 50% tổng nguồn cung hiện tại.
Nha Trang có lượng nguồn cung khách sạn lớn nhất trong số các thành phố ven biển, với hơn 12.000 phòng khách sạn 3-5 sao và có công suất được thuê cao nhất. Trong năm 2016, thành phố có 1,2 triệu khách du lịch quốc tế, thấp hơn 30% so với Đà Nẵng.
Thời gian lưu trú trung bình thay đổi theo điểm đến phổ biến. Trong năm 2016, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế đến Nha Trang là 3,5 ngày, so với 2,8 ngày ở Đà Nẵng và 2,6 ngày ở Phú Quốc. Đà Nẵng hấp dẫn cả khách du lịch quốc tế và nội địa, với sân bay quốc tế và vị trí dọc “Lộ trình di sản quốc gia” bao gồm phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế và động Phong Nha. Tuy nhiên, việc đi lại dễ dàng trên lộ trình này cũng làm giảm thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch đến Đà Nẵng.
Phú Quốc là điểm đến lý tưởng cho du lịch cao cấp, trong Q4/2016, phân khúc 5 sao chiếm 71% với 2.500 phòng từ 3-5 sao. Tuy nhiên, với việc là thị trường mới nổi, một lượng lớn nguồn cung trong tương lai có thể sẽ thách thức khả năng hoạt động của các chủ đầu tư.
Giải quyết hạn chế công suất sân bay
Ngành công nghiệp du lịch phát triển nhanh chóng là một thách thức cho hạ tầng sân bay. Trong năm 2016, tổng lượng khách du lịch quốc tế di chuyển bằng đường hàng không đạt 8,2 triệu, chiếm hơn 80% lượng khách du lịch. Thành phố HCM bị quá tải 130% và Nha Trang là 320%. Sân bay Đà Nẵng hoạt động quá tải 113% mặc dù đã được nâng cấp vào năm 2011 từ 4,5 đến 6 triệu hành khách mỗi năm.
Chính quyền đã nỗ lực để giải quyết công suất hạn chế ở sân bay. Trong hơn hai năm tới, Tân Sơn Nhất (TP. HCM) sẽ tăng công suất từ 25 đến 38 triệu hành khách mỗi năm. Tới năm 2017, sân bay nội địa Đà Nẵng hiện công suất 9 triệu hành khách/năm sẽ được mở rộng để đón thêm 4-6 triệu hành khách mỗi năm. Nha Trang đang bị chậm tiến độ, với dự án mở rộng sân bay Cam Ranh giai đoạn một bị trì hoãn từ đầu năm 2016 đến Q1/2018. Với việc đón 4,8 triệu lượt khách trong năm 2016, công suất nâng cấp dự kiến 2,5 triệu hành khách mỗi năm sẽ không đủ đáp ứng ngay cả trong giai đoạn hiện tại.
Theo kế hoạch tổng thể của chính phủ, khoảng 5,6 tỷ USD sẽ được đầu tư để nâng cấp hạ tầng sân bay cho đến năm 2020. Nâng cấp hạ tầng là yếu tố then chốt để đánh giá khả năng phát triển du lịch, đặc biệt với sự phát triển của nguồn cung mới tăng 30% hàng năm trong 3 năm trở lại đây tại Đà Nẵng, Nha Trang và TP. HCM.
Troy Griffiths
Phó Tổng Giám đốc điều hành Savills Việt Nam