Hà Nam nằm ở vị trí địa lý thuận lợi do liền kề thủ đô Hà Nội trên trục hành lang Bắc Nam, là cửa ngõ quan trọng của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam với thủ đô, cùng với việc sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch phong phú trong đó có nhiều di tích lịch sử có giá trị đặc sắc, các lễ hội nổi tiếng như: lễ hội Tịch Điền, lễ phát lương, lễ hội đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh, làng Vũ Đại, làng nghề làm trống Đọi Tam; các đặc sản mang dấu ấn của vùng quê chiêm trũng và đặc biệt là hệ thống sông ngòi bao quanh thành phố tạo cho Hà Nam một bản sắc rất riêng… Những năm gần đây, hoạt động du lịch ở Hà Nam đã có bước phát triể: các hoạt động thu hút đầu tư phát triển du lịch được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, các khu điểm du lịch được quy hoạch, trong đó một số điểm đang khai thác khá hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực du lịch từng bước được nâng cao.
Hiện toàn tỉnh có 17 khách sạn từ 1 – 3 sao (539 phòng), 90 nhà nghỉ (1.000 phòng), trên 200 nhà hàng phục vụ ăn uống. Năm 2016, Hà Nam đã đón và phục vụ 915.000 lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm phần lớn với 898.800 lượt, khách quốc tế đạt 16.200 lượt; tổng doanh thu du lịch dịch vụ đạt 205 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả này, Giám đốc TTXTDL Hà Nam Nguyễn Đức Nguyên cho rằng những kết quả trên “còn rất khiêm tốn”, nguyên nhân chính là sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa đa dạng, chất lượng thấp, dẫn đến xúc tiến quảng bá chưa mang lại hiệu quả.
Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nam Lê Xuân Huy cho biết, hiện Khu du lịch Tam Chúc của tỉnh với quy mô 5.100ha đang được triển khai xây dựng với các khu chức năng: văn hóa – tâm linh, sinh thái, khu du lịch lòng hồ, trung tâm đón tiếp, khu nghỉ dưỡng, khu bảo tồn thiên nhiên, sân golf 30 lỗ. Nơi đây được kỳ vọng là điểm nhấn mang tính đột phá của Du lịch Hà Nam sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy các tiềm năng du lịch, tăng sức hấp dẫn các sản phẩm du lịch sẵn có để thu hút khách vẫn là sự trăn trở của những người làm du lịch Hà Nam.
Đánh giá cao những tiềm năng du lịch của Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Đỗ Dược Tiến cho rằng, Hà Nam cần tăng cường quảng bá hơn nữa để thu hút khách du lịch tâm linh đến với các lễ hội truyền thống, các làng nghề, đồng thời tuyên truyển nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phát triển du lịch.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, thế mạnh của Hà Nam chính là du lịch tâm linh và nên tập trung phát triển dòng sản phẩm này để khai thác dòng khách du lịch nội địa, việc thu hút đối tượng khách quốc tế là khá khó khăn do sản phẩm du lịch Hà Nam có nhiều nét tương đồng với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương, Hà Nam có những điểm du lịch cực kỳ đặc sắc như khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao (xã Hòa Hậu, Lý Nhân), nơi đây còn lưu giữ những hiện vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Nam Cao. Đến đây du khách sẽ được tham quan những địa danh gắn liền với những nhân vật trong tác phẩm văn học nổi tiếng của ông. “Hà Nam nên chọn và xây dựng chương trình du lịch đặc thù mang dấu ấn địa phương như thăm làng Vũ Đại gắn với món ẩm thực cá kho, tập trung vào chất lượng thật tốt, bên cạnh đó, có thể khai thác tuyến du lịch đường sông đến chùa Hương để tạo sự đa dạng, khác biệt, hấp dẫn”, ông Phương gợi ý.
Hội nghị đã ghi nhận ý kiến của đại diện các doanh nghiệp lữ hành, TTXTDL Hà Nam về phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá và nhất trí chia sẻ thông tin, tăng cường liên kết hợp tác, giao lưu kết nối để thúc đẩy du lịch không chỉ riêng Hà Nam mà cả khu vực ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Việt Hùng