Show trình diễn tổng hợp giới thiệu đất nước con người điểm đến
Đến Thái Lan bạn có thể lựa chọn chiêm ngưỡng một bức tranh đầy sống động, tái hiện lại một nền văn hóa cổ xưa đầy sắc màu của các dân tộc sinh sống trên đất nước Thái qua “Siam Niramit Show” tại khu vực sân khấu biểu diễn đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness là sân khấu biểu diễn cao nhất thế giới.
Một chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp được ví như một bữa tiệc âm thanh, ánh sáng và vũ đạo đặc biệt bậc nhất trên thế giới (sân khấu là mặt nước, hậu cảnh là núi non) như “Ấn tượng chị Ba Lưu” (Dương Sóc, Quế Lâm) xứng đáng đại diện cho biểu đạt hình ảnh đất nước – con người Trung Quốc dù chỉ thông qua một giai thoại về người con gái sông Li. Với show diễn này, đạo diễn tài năng Trương Nghệ Mưu đã làm nên tên tuổi của cả một vùng du lịch Dương Sóc, vốn chỉ là một thị trấn nghèo cách Quế Lâm chừng 60km.
Ghé qua Hàn Quốc bạn sẽ ngỡ ngàng bởi “Miso Show” bởi đây là một trong những chương trình biểu diễn hội tụ tất cả những vẻ đẹp tinh tế nhất của nghệ thuật biểu diễn Hàn Quốc. Chương trình biểu diễn tái hiện lần lượt các điệu múa truyền thống, những loại nhạc cụ tiêu biểu và trò chơi dân gian, những tích truyện cổ dân gian Hàn Quốc. Đây là món quà mà người Hàn Quốc rất hãnh diện khi giới thiệu với bạn bè quốc tế trong những hội nghị diễn ra tại Seoul. Kể cả khi chưa có điều kiện tham quan đầy đủ đất nước con người của điểm đến thì với những show trình diễn công phu này, du khách hoàn toàn có thể có một hiểu biết đầy đủ về nơi họ đặt chân đến, ngầm gợi cầu cho sự trở lại thăm thú và trải nghiệm những lần tiếp theo.
Chương trình biểu diễn nào có thể trở thành “Viet Nam Show”
Đến Việt Nam, sẽ là không đầy đủ nếu như du khách chỉ được ghé thăm một nhà hát nào đó với show diễn của họ về một loại hình nghệ thuật truyền thống như: múa rối, chèo, tuồng, ca trù hay cải lương… Chưa nói đến sự hấp dẫn thực sự đối với du khách (ở đây chủ yếu đề cập đến du khách quốc tế) khi đa phần các loại hình và tác phẩm biểu diễn đều rất kén người nghe, xem; ngay cả các show trình diễn được coi là hút khách du lịch như Múa rối nước (Nhà hát Thăng Long và Nhà hát Múa rối Việt Nam) hay Xiếc – Múa đương đại (À ố show) cũng chỉ là những lựa chọn rất thiếu đa dạng cho du khách, đặc biệt là lượng du khách đại trà. Bên cạnh đó, nếu như có một sự đột biến về lượng khách du lịch có nhu cầu thưởng thức các show trình diễn như trên thì sức chứa của các nhà hát hiện nay tại Hà Nội cũng là một hạn chế cùng với các hạn chế khác về việc đáp ứng các yêu cầu cao về kỹ thuật trình diễn và cơ sở vật chất hiện đại cho những chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn.
Đã từng có những nỗ lực đáng kể của các nhà làm văn hóa và các hãng lữ hành trong việc cải biến, sáng tạo các chương trình biểu diễn tương tự, như show biểu diễn các trích đoạn chèo cổ của Nhà hát chèo Việt Nam, Nhà hát chèo Hà Nội, show múa và hát tuồng kết hợp với các diễn xướng dân gian gần gũi như múa trống cờ, hát văn – hầu đồng của Nhà hát Tuồng Việt Nam, show tạp kỹ Golden Bell của Rạp Chuông Vàng, chương trình hát xẩm và ca trù ở phố cổ Hà Nội… Tuy nhiên, sau một thời gian những nỗ lực này lại dường như bị “hụt hơi”. Lý do dễ thấy, đặc thù của du khách thưởng thức nghệ thuật để mở rộng sự hiểu biết tự nhiên, không hàn lâm, lại ít thời gian và mong muốn được thưởng thức “tổng hợp” không được đáp ứng, cộng với điều kiện tổ chức biểu diễn không thuận lợi, không tạo sự hấp dẫn cho du khách, không kết hợp đa dịch vụ như bán vé qua mạng, kết hợp các bữa ăn, kết hợp tham quan triển lãm… như cách làm chung của những show trình diễn tương tự trong khu vực và trên thế giới…
Như vậy, trở lại với “quy mô nhỏ” với mô hình thành công bước đầu của Múa rối nước (Hà Nội) và xiếc – múa đương đại chất liệu dân gian (TP. Hồ Chí Minh): chúng ta thấy còn quá thiếu một (hay một vài) “Viet Nam Show” có tầm vóc, xứng đáng trở thành sản phẩm du lịch đạt tiêu chí “đã đến – phải xem” như nhiều trường hợp thành công trên thế giới. Ngay cả những quốc gia có xuất phát điểm không hơn Việt Nam, nhưng sự mạnh dạn trong đầu tư và tổ chức thực hiện cũng bước đầu bắt kịp xu hướng quốc tế về sản phẩm du lịch có tính tất yếu này (trường hợp của Campuchia là một ví dụ rõ nét).
Hiện thực hóa một “ Viet Nam Show” như một sản phẩm du lịch đặc sắc?
Nhu cầu đặt ra là cấp thiết tuy nhiên việc hiện thực hóa bằng cách nào đang là một câu hỏi lớn không chỉ đối với các nhà làm du lịch, các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật mà còn đối với chính quyền. Một số vấn đề cần trả lời để hiện thực hóa sản phẩm du lịch đặc sắc này là:
1. Đầu tiên là vấn đề địa điểm tổ chức:
Hà Nội vẫn luôn là một địa điểm được ưu tiên với hệ thống dịch vụ và cơ sở vật chất đa dạng nhưng hiện trạng các địa điểm có thể tổ chức chương trình nghệ thuật tổng hợp quy mô lớn và thường xuyên tại nội thành không đáp ứng nhu cầu. Khu vực ngoại thành nơi có rất nhiều các khu du lịch với quy mô rộng và hệ thống cơ sở vật chất sẵn có (trước mắt là ngoài trời) sẽ là những địa điểm thích hợp với việc xây dựng chương trình nghệ thuật biểu diễn tổng hợp gắn liền với thực cảnh. Quanh Hà Nội với bán kính 50km tính từ trung tâm có thể kể đến khu vực Đồng Mô, Ba Vì, làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, hay Bắc Ninh, Hưng Yên… Các đô thị lớn khác như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay các điểm đến du lịch nổi trội như Hạ Long, Huế, Ninh Bình… cũng không thiếu những địa điểm để tổ chức những Viet Nam Show quy mô khoảng trên dưới 1.000 khách.
2. Vấn đề đầu tư cần tìm lời giải:
Ai là nhà đầu tư? Nhà nước hay xã hội hóa hay nhà đầu tư tư nhân, hay thậm chí nhà đầu tư nước ngoài có nguồn lực tài chính mạnh… Bản thân những đề xuất của Sun Group hay Vin Group thời gian gần đây cho thấy không thiếu những nguồn lực nội tại, tuy nhiên sự dè dặt và thiếu khuyến khích sẽ khiến Viet Nam Show tiếp tục ở trong kỳ vọng tương lai đối với Du lịch Việt Nam.
3. Vấn đề quản lý và kinh doanh:
Hệ thống khai thác khép kín, trọn gói, đa dịch vụ từ tổ chức thực hiện biểu diễn đến “bao tiêu sản phẩm” với các kênh bán hàng cởi mở, các đại lý phân phối rộng khắp với chính sách hấp dẫn… là việc cần triển khai tiếp theo để đưa Viet Nam Show sau khi thành hình sẽ được khai thác hiệu quả và bền vững. Căn cứ vào những khảo sát đối với các chuyên gia, các cấp chính quyền hay các doanh nghiệp lữ hành đều nhất trí việc tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo và mới lạ nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó tại khu vực tổ chức chương trình biểu diễn sẽ thúc đẩy phát triển thêm các dịch vụ bổ sung như lưu trú, ăn uống… thúc đẩy toàn diện du lịch địa phương phát triển.
Các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng rất nhiều cách kinh doanh linh hoạt để duy trì một chương trình biểu diễn nghệ thuật thường xuyên quy mô lớn. Thay vì sử dụng vốn đầu tư nhà nước rất nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật trên thế giới đã được tư nhân hóa, thay vì sử dụng cách kinh doanh bán vé truyền thống thì “Siam Niramit” hay “Ấn tượng chị Ba Lưu” đã áp dụng cách kinh doanh online và đại lý cùng hợp đồng bao tiêu với các hãng lữ hành lớn vừa tiết kiệm được chi phí lại đem đến sự thuận lợi nhất cho du khách…
Tựu chung, mỗi đất nước trên thế giới đều có nền văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc. Nền văn hóa, nghệ thuật của mỗi quốc gia - điểm đến ấy thường được tái hiện trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp để mang đến cho khán giả một cái nhìn toàn cảnh nhất về hình ảnh đất nước đó dưới lăng kính của nghệ thuật biểu diễn, như một sự bổ sung “cần và đủ” cho sản phẩm du lịch tinh thần bên cạnh những trải nghiệm vật chất của chuyến đi. Tuy nhiên, tại Việt Nam các chương trình biểu diễn nghệ thuật chưa thực sự có hiệu quả như các nước có nền văn hóa tương đồng trong khu vực. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế về việc tổ chức và quản lý các chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp đang được cơ quan quản lý du lịch, các nhà làm văn hóa và làm du lịch đồng quan tâm.
Không một sự khởi đầu nào là không khó khăn, không một địa điểm tổ chức nào được coi là hoàn hảo, không một cơ chế nào là tốt nhất cho những nhu cầu cấp thiết luôn biến đổi đang đặt ra. Rõ ràng chúng ta có nhiều nguồn lực thuận lợi về vốn văn hóa, cơ sở vật chất, về cơ chế chính sách, về nguồn vốn và nhân lực, nhưng phải chăng tất cả đều đang chờ đợi một “cú hích đầu tư” hay một “cơ chế cởi mở” cho việc “hiện thực hóa một Viet Nam show như một sản phẩm du lịch đặc sắc”.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thị Minh Hòa - Trần Thúy Anh, “Giải pháp và các kiến nghị của việc khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch”, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 12/ 2011 (trang 29).
2. Trần Thúy Anh (chủ biên), Du lịch văn hóa, những vấn đề lý luận và nghiệp vụ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011.
3. Dương Viết Á, Đức Trịnh, Tổ chức và dàn dựng chương trình biểu diễn ở cở sở, NXB Giáo dục Việt Nam, 2000.
Ths. Trịnh Lê Anh - Đặng Thuý Quỳnh
(Tạp chí Du lịch)