Người thấp chí cao
Thứ sáu, 05/01/2007 | 09:02 GMT+7
Bà mẹ sinh ra Sọ Dừa đau lòng khi nhìn thấy sự dị biệt của con mình thế nào thì khi sinh anh, mẹ cha anh cũng xót xa như thế. Mặc cảm, tự ti, cảm giác mình là gánh nặng của cả gia đình khiến anh vốn đã khép kín lại càng co mình lại. Lòng tự bảo lòng phải cố gắng thế nhưng đôi chân anh, bàn tay anh cứ không chịu nghe lời: đi thì vấp ngược vấp xuôi, cầm bát là rơi bát... Dần dà, anh chỉ còn biết làm bạn với bốn bức tường và chiếc giường đơn lẫn cái bóng của mình.
Đến trường thì bạn bè chọc ghẹo, thậm chí là đánh đập. Những lúc như thế anh chỉ còn biết giơ hai tay lên để tránh những trận đòn. Thế rồi anh cũng học hết cấp 3, có được tấm bằng tốt nghiệp như bao bạn bè cùng trang lứa bằng chính sự cố gắng, nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, giấc mơ học hành cũng khép lại ở đó bởi ngày ấy các trường đại học không chiêu mộ những sinh viên khuyết tật. Anh lại phải tiếp tục những ngày lặng lẽ giữa bốn bức tường.
HƯỚNG VỀ PHÍA MẶT TRỜI
Một buổi chiều. Giai điệu bản nhạc “Mặt trời của tôi”, một bài dân ca nổi tiếng của Italia như tràn ngập và làm vỡ nốt những mảng tối của căn phòng. Có một sức mạnh vô hình nào đó cứ nhen nhóm dần khiến anh vùng dậy mở toang cửa sổ. Phải làm một điều gì đó để sống cho đúng nghĩa!
Cả buổi tối hôm ấy anh không thể nào chợp mắt. Sáng mai, chờ cho đến sáng mai. Anh đem những “kế hoạch” của mình giãi bày cùng bố mẹ. Phản đối rồi ngạc nhiên, khó hiểu. Những người ruột thịt đâu biết rằng nỗi khao khát một cuộc sống độc lập đang òa vỡ trong anh. Phải ra ngoài va chạm với đời, phải tự kiếm sống!
Anh đi bán thuốc lá ở các vỉa hè, góc phố rồi vào chợ. Ban đầu đã có nhiều người chọc ghẹo và tẩy chay anh nhưng rồi với họ cũng dần dà chấp nhận sự có mặt của anh trong ồn ã phố phường.
Khi nhận thấy anh có thể sống một cuộc đời độc lập, bố mẹ đã đồng ý để anh ra ở riêng tại căn phòng nhỏ - nơi anh làm quán nước trên phố Hàng Cót bây giờ. Có một nơi ổn định để bán hàng, dù chỉ là dăm gói thuốc và vài ba chai nước. Có thể tự trang trải cho cuộc sống đạm bạc của mình. Anh bắt đầu nghĩ đến chuyện học tiếp.
Vào đầu những năm 90, khi khách du lịch “Tây ba lô” bắt đầu xuất hiện nhiều ở Hà Nội, họ đi bộ nhiều qua phố Hàng Cót, họ ghé vào quán nước và nói bằng những ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ. Trong số những vị khách hay lui tới quán có một người Canada tên là Jim đã tỏ ra quan tâm đặc biệt đến anh. Để rồi sau này trong câu chuyện cuộc đời, Jim luôn hiện diện trong anh như một ân nhân, một người bạn tri kỷ, một người thầy lớn. Chính Jim đã đánh thức khát vọng tưởng như đã ngủ quên trong anh, gieo cho anh niềm hy vọng, giúp anh tìm lại được niềm tin vào chính bản thân mình.
Anh lao vào học. Học ở bất kỳ ai, bất cứ nơi nào. Học như là mục đích, là cứu cánh của đời người. Để trau dồi kỹ năng nói, ngày ngày anh phải đi bộ lên bờ hồ rồi liều vào các khách sạn, những nơi có thể gặp được nhiều khách nước ngoài. Thế nhưng các nhân viên ở đó đã xua đuổi anh vì họ sợ anh vòi vĩnh, xin tiền khách. Tủi phận, chán nản và mệt mỏi. Có những lúc tưởng như sắp bỏ cuộc thì lời hứa với Jim lại thôi thúc, lại vực anh dậy.
MƠ ƯỚC TRỞ THÀNH HIỆN THỰC
Số phận một lần nữa mỉm cười khi anh gặp cô Thái, một giảng viên đại học đã nghỉ hưu. Cảm thương và khâm phục ý chí của anh, cô giáo Thái đã dành ra một tuần 2 buổi dạy miễn phí cho anh ngay tại nhà mình. Những tuần đầu, khi anh chưa đủ điều kiện thuê xe, cứ mỗi buổi học như thế con trai cô lại phải đến đón.
Học ở nhà cô, tự học rồi tham gia các câu lạc bộ... Có những ngày mưa gió, rét mướt, phải đi bộ năm sáu kilômet vậy mà anh vẫn đến đúng giờ, không hề vắng mặt dù chỉ là một buổi. Có những đêm đông, cả khu phố đã chìm vào giấc ngủ, trên gác xép của căn nhà “siêu mỏng” anh vẫn chong đèn thao thức với những bài tập mà cô giáo ra thêm. Học một cách say mê, học đến mệt lử nên trình độ nghe, viết, nói của anh tiến bộ rõ rệt. Đến giờ, anh có thể nói tiếng Anh thông thạo như tiếng mẹ đẻ của mình. Ngoại ngữ đã giúp anh tự tin mở rộng giao lưu và có thêm nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng từ nhiều quốc gia trên thế giới. Qua sự giới thiệu và giúp đỡ của họ, anh trở thành người đầu tiên ở Việt Nam nhận được thư mời tham gia vào Hội người lùn của Mỹ, Canada... Mơ ước được sống một cuộc đời đúng nghĩa, “đi khắp muôn nơi” giờ đã có cơ sở thành hiện thực.
NGUYỄN HÙNG