
|
Slico đang dạy vẽ cho các học trò |
Câu chuyện của Seiko được bắt đầu từ một ngày nắng nóng mười năm trước, khi cô cử nhân văn hóa người Nhật Bản đến TP. Hồ Chí Minh cùng đoàn khách du lịch. Cho đến một ngày, Seiko ra Hà Nội.
Thuê một căn phòng ở phố cổ, ngày ngày đi bộ qua các cửa hàng lưu niệm trên phố Hàng Gai, Seiko đã thực sự bị sơn mài lôi cuốn. Ban đầu là cảm giác bất ngờ vì cứ nghĩ chỉ ở Nhật Bản mới có sản phẩm sơn mài. Tiếp đến là cảm giác thấy tiếc vì nhiều sản phẩm sơn mài bày bán đều mau bong và dễ vỡ, mài lại chưa được bóng mịn. Và, trong Seiko bỗng lóe lên câu hỏi: “Các họa sỹ đã làm ra nhiều bức tranh đẹp thế sao họ lại không tìm những chất liệu truyền thống cho thật bền và tinh tế hơn?”. Nhờ bạn bè đưa đi xem và gặp nhiều họa sỹ sản xuất sản phẩm sơn mài Việt Nam để tìm hiểu về kỹ thuật, cuối cùng Seiko quyết định tìm đến họa sỹ Trịnh Tuân ở gallery Lý Quốc Sư.
Ngay trong buổi học đầu tiên, họa sỹ Trịnh Tuân đã nói: “Sơn mài là nghệ thuật trời cho”. Và phải mất gần 10 năm sau Seiko mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói này. Dù có giỏi đến đâu thì người ta cũng thật khó có thể lường trước hết được thành quả cuối cùng về sơn mài, qua hàng chục công đoạn với rất nhiều chờ đợi, cuối cùng sản phẩm mới dần dần hiện ra. Mà không phải bất kỳ sự “hiện ra” nào cũng có thể trở thành... nghệ thuật. Nhận thấy vốn tiếng Việt cũng như kiến thức về sơn mài của mình chưa giỏi lắm, Seiko tiếp tục theo học tại xưởng của nghệ nhân sơn mài Doãn Chí Trung. Tiếp đó, cô lại xin học tiếp với họa sỹ trẻ Nguyễn Huy Hoàn. Khi hiểu được về lý luận, các công đoạn và kỹ thuật của sơn mài, Seiko bắt đầu quan tâm đến các khâu “hậu trường” của nó. Cô lên tận Phú Thọ để nhìn cây sơn và cách lấy sơn. Khi đã biết phân biệt đâu là sơn sống, đâu là sơn chín cùng những kỹ thuật để tạo nên sức bóng đẹp cho lớp ngoài cùng của nền bức tranh trong lòng Seiko bỗng dấy lên ý nghĩ “Muốn giới thiệu cho người nước ngoài biết kỹ thuật sơn mài đích thực của những nghệ nhân Việt Nam, việc này cần phải làm nhanh bởi những người giỏi về sơn mài hầu hết đều đã có tuổi”.
Sau gần 3 năm sống cùng với sơn mài, cảm thấy mình đã có được ít nhiều chút vốn liếng nên Seiko quyết tâm tìm gặp họa sỹ Trần Tuấn Khanh. Sau khi xem chị vẽ thử một bức tranh, người họa sỹ già ân cần nói: “Với trình độ như thế này, em không cần học tiếp nữa!”. Thế là từ năm 2000, chị bắt đầu làm việc tại nhà, trong thời gian này có rất nhiều người đến xin học. Ban đầu chị cũng định từ chối nhưng nghĩ lại thấy mình may mắn vì có điều kiện gặp được thầy giỏi, lại là người nước ngoài duy nhất hiểu được sâu về sơn mài Việt Nam, nhiệm vụ của mình là phải giới thiệu nghệ thuật độc đáo này cho cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài trong khi nghệ thuật sơn mài truyền thống, chính hiệu đang có nguy cơ mai một. Bởi các sản phẩm sơn mài được bày bán trên thị trường hiện nay đa phần là sơn mài công nghiệp chứ không phải sơn mài truyền thống của Việt Nam. Và để chia sẻ những gì mình biết về sơn mài, không giữ nó một mình, Seiko đã nghĩ đến chuyện mở lớp học dạy kỹ thuật và mỹ thuật cho tất cả những ai quan tâm và yêu thích.
Lớp học của Seiko là một xưởng vẽ nằm trên phố Nghi Tàm, được thiết kế theo lối kiến trúc cổ với mái lá, bàn ghế gỗ, với những rặng tre rợp bóng mát, với bể nước có hoa bèo đã trở thành một lớp học đa quốc tịch ngay giữa lòng Hà Nội. Học viên đến đây gồm nhiều thành phần khác nhau, có những người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam, họ đến từ các quốc gia như Anh, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Australia và cả người Việt Nam. Nhưng có lẽ nhiều nhất và chăm chỉ nhất vẫn là người Nhật Bản bởi theo lý giải của Seiko nghệ thuật sơn mài Nhật Bản và Việt Nam có những nét tương đồng, sự khác biệt chủ yếu tập trung vào chất sơn và loại sơn. Sơn của Nhật Bản độ bóng cao hơn, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Sơn Việt Nam tuy có nhiều tạp chất nhưng nếu có kỹ thuật thì sẽ dễ tạo được phong cách riêng bởi có nhiều lớp, nhiều màu, độ trong và độ bền cao.
Bằng tình yêu với sơn mài chị đã quyết định ở lại Việt Nam sinh sống và lập nghiệp. Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của chị.
NGUYỄN LÊ