Trong những buổi làm việc, hội thảo, các chuyên gia, kiến trúc sư di sản của UNESCO đã trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn cho đoàn Hà Nội chuẩn bị hồ sơ đăng ký địa danh thành cổ, hoàng thành Hà Nội vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục đăng ký để được công nhận địa danh thành cổ, hoàng thành là Di sản thế giới đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phía Hà Nội đã thảo luận với các chuyên gia tư vấn quốc tế của UNESCO về kinh nghiệm quản lý du khách tại các địa danh văn hóa, phát triển du lịch di sản văn hóa, những điểm then chốt của một kế hoạch quản lý và áp dụng cụ thể vào một số trường hợp của Hà Nội. Hai bên đã thống nhất nội dung hợp tác du lịch giữa IDF và Du lịch Hà Nội; tổ chức tham quan thực địa, thảo luận về việc khai thác phát triển du lịch và quản lý lượng khách tham quan tại một số địa danh đang đề nghị công nhận là Di sản thế giới của Pháp như: lâu đài Versailes, đôi bờ sông Sen, nhà thờ đức bà Paris...
Là một trong những thành viên trong đoàn, Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đã tiếp thu, học tập được kinh nghiệm phát triển du lịch tại các di sản văn hóa, nắm bắt được những điểm cơ bản, then chốt để xây dựng kế hoạch quản lý du khách tại các địa danh văn hóa sao cho vừa đảm bảo giữ gìn di sản, cảnh quan môi trường vừa phát triển, khai thác du lịch một cách hiệu quả.
Những năm gần đây, có tới gần 80% lượng du khách từ Pháp đến Việt Nam lựa chọn Hà Nội là điểm tham quan du lịch, luôn đứng ở vị trí từ thứ 2 4 trong số 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu vào Hà Nội và đang có xu thế tăng mạnh trong thời gian tới. Ngược lại, nhu cầu đi du lịch nước ngoài, trong đó có Pháp của người dân Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng cũng đang ngày càng gia tăng. Để góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và IDF lên một tầm cao mới, ngành Du lịch Hà Nội và IDF đã trao đổi và thống nhất thiết lập quan hệ chính thức song phương. Phía Hà Nội đề nghị IDF nghiên cứu hỗ trợ xây dựng đồng bộ Quy hoạch phát triển Du lịch Hà Nội từ nay đến năm 2020 và những năm sau, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng quy hoạch phát triển các di sản, văn hóa, danh thắng, khu phố cổ, khu phố cũ (biệt thự); quy hoạch làng nghề, phố nghề, bảo tàng, quy hoạch khu hồ Tây thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ trong khu vực, cùng kêu gọi các nhà đầu tư trên thế giới phát triển các dự án theo quy hoạch nhanh chóng đưa Hà Nội thành một điểm hấp dẫn của du lịch cả nước và khu vực. . . IDF sẽ giúp Hà Nội đào tạo cán bộ quản lý, quy hoạch, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ du lịch và các chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ du lịch như nấu ăn, pha chế cocktail, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; nghiên cứu khả năng nhận lao động Hà Nội thực tập trong lĩnh vực phục vụ khách sạn, nhà hàng nhằm hỗ trợ cho nguồn nhân lực Du lịch Hà Nội nâng cao kỹ năng phục vụ. Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Pháp, đặc biệt là IDF đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú chất lượng cao, các khu du lịch dịch vụ và các công trình dịch vụ khác kể cả hình thành các liên doanh lữ hành… để khai thác mạnh hơn nữa thị trường khách từ châu Âu vào Hà Nội. Hai bên sẽ tăng cường công tác quảng bá tuyên truyền các sản phẩm du lịch của Việt Nam và Pháp để thúc đẩy hơn nữa luồng du khách từ hai nước nhằm tăng cường hiểu biết giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp. Phía Pháp sẽ giúp Hà Nội xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá và tổ chức các sự kiện nhân Năm Du lịch Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi vào năm 2010. Hà Nội và IDF sẽ phối hợp phát triển mạnh loại hình du lịch MICE tại Hà Nội, trong đó có việc xây dựng các cơ sở vật chất, chuyển giao công nghệ tổ chức các sự kiện quốc tế, đào tạo lực lượng cán bộ phục vụ cho các sự kiện này…
Dự kiến tháng 9/2006 hoặc đầu năm 2007, Ủy ban Du lịch vùng IDF sẽ cử một đoàn chuyên gia sang Việt Nam làm việc với Sở Du lịch Hà Nội để triển khai thỏa thuận hợp tác./.
CAO THỊ NGỌC LAN