
|
Chợ trên sông |
Chợ thường họp vào 4 – 5 giờ sáng khi mặt trời vừa chớm mọc cho đến 7 - 8 giờ lúc mặt trời lên cao thì chợ cũng tan dần. Từ tờ mờ sáng, những người dân quê đã hối hả chèo thuyền chở các loại sản phẩm từ vườn nhà ra chợ bán. Ngoài ra, còn có ghe của thương lái từ miền xa về nhóm họp làm cho chợ nổi trên sông càng thêm tấp nập.
Chợ nổi là nơi tụ họp của các ghe hàng bán những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất như: xuồng, ghe, lá lợp nhà, dao, cuốc, chài, lưới… cùng các loại hàng bách hóa tổng hợp trong và ngoài nước. Len lỏi khắp nơi là những xuồng “vàm” bán đủ thứ thức ăn: hột vịt lộn, bún nước lèo, bún thịt nước, cháo lòng, gỏi vịt, hủ tiếu, cà phê… Hiện nay, trên chợ nổi còn có các dịch vụ mới như: trạm xăng dầu nổi có sức chứa vài ngàn lít bán cho tàu ghe qua lại, tiệm sửa cân, sửa máy, tiệm may nổi phục vụ nhanh cho khách hàng… Nói chung, mặt hàng nào ở phố chợ có cũng đều có mặt ở chợ nổi.
Sau khi tham quan, mua sắm ở chợ nổi, du khách có thể xuôi theo rạch Trà Niềng đến thăm mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, hoặc theo câu hò Cần Thơ về thăm thôn xóm, vườn cây trái, hòa cùng cuộc sống bình dị nhưng ấm nồng tình làng nghĩa xóm của bà con nông dân.
Nét nổi bật của chợ nổi là hình thức “bẹo hàng”. Trước mỗi mũi ghe thường cắm hoặc gát ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Hình thức bẹo hàng này là một nét văn hóa giao thương độc đáo chỉ có ở chợ nổi, không ồn ào, vồn vã nhưng lại có sức thu hút kỳ lạ. Khách mua phải nhìn cây bẹo mà tìm hàng. Không giống như chợ ở trên bờ, những ghe hàng trên chợ nổi không nhất thiết phải quy tập từngkhu theo loại hàng. Đặc biệt nhất là hình thức “bẹo lá bán ghe”. Nếu gặp chiếc ghe bẹo một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy. Các ghe bán hàng dạo thì thay hình thức bẹo hàng bằng âm thanh của những chiếc kèn. Có người bấm kèn bằng tay (loại kèn nhỏ bằng nhựa), có người vừa chèo vừa dùng chân đạp lên kèn (loại kèn lớn, còn gọi là kèn cóc).
Ngày nay, dẫu đường bộ đã phát triển đến tận vùng nông thôn hẻo lánh của đồng bằng sông Cửu Long, nhưng các chợ nổi trên sông vẫn tiếp tục tồn tại, tiếp tục họp tan theo con nước lớn ròng như một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước.
NGUYỄN THỊ MỸ