Quy mô du lịch sinh thái ở A Lưới nhiều năm qua chưa được khai thác đúng mức. Gần đây, A Lưới mới được biết đến với nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp như chuỗi thác A Nôr (xã Hồng Kim), suối nước nóng Tôm Trung, thác Pông Chất, hang đông Kềnh Crâm (xã A Roàng), hồ mặt nước ngầm A Co (xã Phú Vinh, Hồng Thượng), đèo Pê Ke (xã Hồng Vân, Hồng Thuỷ). Chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh, A Lưới có những khu rừng nguyên sinh đa dạng hoa cảnh, chim muông...
A Lưới có thác A Nôr, cách trung tâm huyện chỉ 3km, diện tích trên 10ha. Quanh năm phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với 3 thác nước tựa như những bức màn nhung. Huyện A Lưới đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, hình thành một ngôi làng mới tên là Việt Tiến. Người dân nơi đây vừa hướng dẫn du khách tham quan, vừa đón khách lưu trú tại nhà.
|
Rừng nguyên sinh đa dạng động vật, thực vật quý hiếm |
Từ trung tâm huyện đi ra hướng Bắc khoảng 10km, du khách sẽ gặp đèo Pê Ke, là ranh giới tự nhiên giữa dãy Trường Sơn Đông với khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, nơi khởi nguồn của các con sông Ô Lâu, Thạch Hãn, sông Bồ... Trong tương lai gần, đèo Pê Ke cùng với cửa khẩu Hồng Vân, dốc Con Mèo, đồi Con Cọp là điểm đến thuận lợi của du khách Thái Lan và Lào.
Phía Nam của A Lưới trải dài những cánh rừng nguyên sinh và suối nước nóng với nhiều hệ động vật, thực vật quý hiếm. Muốn đi theo loại hình du lịch mạo hiểm, sau khi tham quan hai hầm đường bộ trên đường Hồ Chí Minh du khách sẽ được nghỉ ngơi, tắm suối nước khoáng lộ thiên có nhiệt độ 60 - 70oC...
Nếu chọn tour du lịch DMZ, điểm đến sẽ là đường 72, đây nguyên là con đường có từ thời Pháp thuộc gọi là đường 12 từ Huế qua phà Tuần - Tà Lương - A Lưới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ chuẩn bị cho chiến dịch Xuân 1968, bộ đội đã sửa chữa con đường này nhằm đưa vũ khí, phương tiện áp sát TP. Huế. Một lần nữa con đường này đã trở thành mũi tiến công quan trọng giải phóng TP. Huế trong ngày 25/3/1975. Tháng 5/1991, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận địa điểm này là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, giờ đây ngã ba đường 72-14B trở thành một cụm dân cư sầm uất.
A Lưới còn nổi tiếng trên thế giới với ngọn đồi Thịt Băm (Hamburger hill) hoặc cao điểm 937 theo cách gọi của người Mỹ. Dân địa phương gọi đây là đỉnh A Bia. Ngày 10/5/1969, sư đoàn không vận 101 nổi tiếng của Mỹ tấn công các vị trí dọc đường biên giới với Lào. Trong đó, quả đồi 937 đã được ghi vào lịch sử quân đội Mỹ với biệt danh đồi Thịt Băm. Các bác sĩ của quân đội Mỹ nói họ chưa bao giờ thấy nhiều người chết và bị thương như vậy trong mười ngày chiến trận ở đồi này.
Ngày nay trên đồi A Bia, rừng già ngập tràn tiếng chim muông, ve rừng… Tại đỉnh đồi, trên sân bay trực thăng cũ đã được dựng lên một nhà bia tưởng niệm. Ở phía Đông nhà bia có thể phóng tầm mắt xuống thị trấn A Lưới, đường Hồ Chí Minh, bao bọc bởi trùng điệp núi rừng. Lên cao điểm 937, vị trí cao nhất đồi Thịt Băm, vẫn còn lẫn với đất, cây cỏ là những mảnh bao cát, nhựa mỏng trong chiến tranh.
A Lưới sẵn có những sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử đủ sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách nước ngoài. Bên cạnh đó, A Lưới còn có tiềm năng du lịch sinh thái dồi dào. Trong xu thế phát triển du lịch bền vững, những tiềm năng này cần được ngành Du lịch đầu tư khai thác đồng bộ và triệt để hơn.
Đoàn Vũ Hào