Di tích tháp Khương Mỹ thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được xây dựng vào cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 bao gồm ba tháp: tháp Bắc, tháp Giữa, tháp Nam và được công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1989.
Người bảo vệ mở cổng đón chúng tôi vào. Được biết, ở đây cũng vắng khách. Có vẻ như Di sản thế giới Mỹ Sơn đã hút hết khách đến tham quan nên những ngọn tháp nhỏ lẻ bên ngoài kiểu Chiên Đàn, Khương Mỹ, Cánh Tiên, Thốc Lốc… nếu không phải là dân nghiên cứu thì chẳng có mấy khách du lịch tới.
Bước qua những thân cỏ rậm rạp và ướt đẫm nước mưa, tôi ghé thăm những ngọn tháp đang lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Trong nắng, vẻ đẹp của tháp được phô diễn một kiểu khác với màu gạch nung óng ả nổi bật giữa trời xanh. Nhưng trong mưa, những tháp cổ toát lên một vẻ đẹp lộng lẫy, trầm mặc, suy tư và u buồn. Hơn nghìn năm, trải qua bao cuộc chiến tranh, bao cuộc xâm lăng, bao trận mưa bão, diệt vong, những ngọn tháp như những nhân chứng vẫn đứng vững với thời gian, trầm tư, cô độc, lặng lẽ và buồn. Trong mưa, tháp càng cô độc và buồn bã hơn.
Ba tháp được xếp theo trục Bắc - Nam, một kiểu tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng Đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch. Các tháp nằm sát gần bên nhau nên các mặt bên của tháp, vốn là những mảng tường còn sót lại đẹp nhất, chưa bị mất đi nhiều chi tiết, nơi tôi đặc biệt chú ý bởi những hoa văn vẫn còn khá nguyên vẹn.
Cửa các tầng tháp đều trang trí hình lá đề có chi tiết những cành lá cách điệu hình ngọn lửa. Bên trong tháp trống trơn, chỉ có rêu xanh phủ đầy ở những nơi mà ánh sáng có thể lọt vào. Tại Khương Mỹ, lần đầu tiên xuất hiện một số mô-típ trong nghệ thuật Khmer được điêu khắc vô cùng tinh xảo trên những bức tường và cổng tháp như những hoa văn thảo mộc, cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu, lá có rãnh sâu; các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi những đường chéo và các đóa hoa cách điệu, kiểu hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10.
Bức tường của tháp thứ 2 là cả một tác phẩm nghệ thuật đồ sộ vẫn còn được giữ khá nguyên vẹn. Từ dưới chân tháp đến đỉnh tháp là những hoa văn điêu khắc trực tiếp trên gạch với những nét uyển chuyển. Trải qua cả nghìn năm, những nét hoa văn vẫn duyên dáng lạ thường cùng với màu sắc thẫm sau mưa của gạch càng làm vẻ đẹp của bức tường thêm sắc sảo. Những mảng gạch lộ ra ngoài giúp ta có thể nhìn thấy được những viên gạch với mối nối đặc biệt.
Xung quanh chân tháp, tôi vô cùng thích thú với những hình điêu khắc dài hình các chú khỉ đáng yêu đang bận rộn, mỗi chú một việc. Những tượng khỉ được thể hiện trên các mảng phù điêu rất sinh động và ngộ nghĩnh, đáng chú ý là tất cả các chú khỉ đều được thể hiện bộ phận giới tính rất rõ ràng. Những cảnh chạm các chú khỉ trên phần trang trí chân tháp Khương Mỹ là một nét vô cùng độc đáo trong nghệ thuật Champa.
Khác với những tháp phía Bình Định trở vào Nam mang vẻ khỏe khoắn, các tháp Chăm thuộc phía tỉnh Quảng Nam trông mềm mại với rất nhiều hoa văn. Tiếc là những tháp Chăm còn giữ lại những nét đẹp như thế này không nhiều, nếu không nói là ở Khương Mỹ đến hôm nay là còn duy nhất.
Hiện nay, tháp Khương Mỹ đang bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị đổ sụp. Tháp Nam đang là tháp bị hư hại nghiêm trọng nhất. Phía trên thân tháp nhiều mảng tường với các họa tiết chạm khắc có giá trị nghệ thuật độc đáo đã bị bong ra và đổ xuống chỉ còn trơ lại một màu gạch đỏ. Gạch lở ăn sâu vào thân tháp và xuất hiện nhiều vết nứt trên các cổng tháp. Đỉnh tháp dưới tác động trực tiếp của mưa nắng và cây cỏ dại nên bắt đầu xuất hiện hiện tượng gạch không còn kết dính. Trước thực trạng trên, gần đây Ban quản lý khu di tích đã cho tiến hành phát dọn cỏ dại bám trên tháp nhưng đó cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy”chứ không thể ngăn chặn được sự xuống cấp của khu di tích.
Trong thời gian tới, tháp Chăm Khương Mỹ sẽ được trùng tu nhưng chưa rõ bằng cách nào. Hy vọng những gì còn sót lại của một di sản nghìn năm sẽ được gìn giữ một cách tốt nhất.
Bài và ảnh: Lam Linh
(Tạp chí Du lịch)