(VTR) - Sau hành trình bay gần 20 giờ liên tục, sau những chặng quá cảnh dài lê thê ở Hồng Kông và các cung đường xe hơi tay lái nghịch ven các vách đá đẹp rợn người, tôi cũng đã được đặt chân đến mũi Hảo Vọng (Cape Of Good Hope) của thành phố Cape Town, thuộc Cộng hòa Nam Phi, nằm ở điểm tột đất phía Nam của lục địa Đen (châu Phi). Phải nói rằng, nhân loại tiến bộ đã rất có lý khi tôn vinh mũi Hảo Vọng là một “điểm đến tuyệt diệu nhất” của loài người, là nơi “bạn nên đến trước khi chết”.
Hảo Vọng là mũi đất cuối cùng, nằm án ngữ, phân chia hai đại dương khổng lồ của quả đất: Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, bên là biển ấm, bên là biển lạnh. Nhưng những gì bạn thấy ở đây còn đẹp và huyền ảo hơn nhiều. Từ vài thế kỷ trước, bất cứ nhà hàng hải hay thủy thủ nào đều biết câu chuyện truyền thuyết nổi tiếng “Người Hà Lan bay”, kể về những người đi biển hãi hùng bị một bóng ma ai oán nguyền rủa, suốt đời họ cứ đi trong vùng nước mênh mông quái đản, con tàu của họ phát sáng lênh lang… - mà không bao giờ họ có thể cập vào mũi đất lờ mờ ngay trước mặt. Mũi Hảo Vọng vì thế từng bị gọi là mũi Độc, hay mũi Bão Tố. Sách cũ viết rõ: năm 1448, nhà hàng hải nổi tiếng người Bồ Đào Nha tên là Dias cùng đoàn tùy tùng vâng mệnh nhà vua Ruo Ao Đệ Nhị xuất phát từ Lisbon, đi dọc rìa phía Tây của lục địa châu Phi để tìm đường đến miền đất vàng Ấn Độ. Khi họ đến với vùng đất nhuốm màu huyền thoại ở phía Nam lục địa Đen, ở đúng vùng nước giáp ranh giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, thì bão tố nổi lên kinh hoàng. Không ai dám tin mình còn sống. Họ bị trồi thụt, chao đảo, ném bay lên trời. Bão tố gào thét. Họ cầu Chúa cho sống sót. Lúc tỉnh dậy, họ thấy mình nằm trên một bãi đất đá yên bình. Họ vô cùng sung sướng, thốt lên: mũi Hảo Vọng đây rồi. Sau này, nhờ phát hiện ra con đường qua mũi Hảo Vọng đến Ấn Độ, mang vàng, tơ lụa, hương liệu về làm giàu cho Bồ Đào Nha, đúng là cả thế giới được nhờ. Người ta so sánh việc phát hiện ra mũi Hảo Vọng - “con đường tơ lụa trên biển” - này cũng quan trọng như việc ông Colombo phát hiện ra châu Mỹ năm 1492; như việc Magellan cùng đồng đội của ông thành công trong chuyến đi vòng quanh thế giới lần đầu tiên của loài người từ 1519 - 1522. Trước khi kênh đào Suez được xây dựng vào năm 1869, qua mũi Hảo Vọng là cách duy nhất để người ta có thể đi trên biển giữa châu Á và châu Âu. Ngay cả khi kênh đào Suez ra đời rồi, với nhiều tàu quá lớn hoặc khi chiến tranh Trung Đông ác liệt, người cũng vẫn phải chọn đường qua Cape Hope.
Chúng tôi đến mũi Hảo Vọng, thật bất ngờ đó không chỉ là mũi đất mũi đá đánh dấu một điểm mốc địa lý kỳ thú. Đó là một công viên quốc gia tuyệt đối hoang dã, bát ngát hoa cỏ và muông thú. Người ta đã kinh doanh du lịch, nâng bước chân du khách từ mặt đất lên đến đỉnh trời. Biển xanh sóng trắng, trời xanh mây trắng. Từng đàn hải cẩu lên bờ chơi với người, ta có thể bón cá cho chú hải cẩu đen nhoáy to đùng xơi. Chim cánh cụt lũn cũn từng đoàn ra chào khách lạ. Đặc biệt là lũ khỉ bồng con ngắm đoàn người nhiều màu da từ khắp thế giới. Ngoài biển, sóng đánh rầm trời. Từ ngọn hải đăng cổ cao vút trời trên đỉnh núi lớn nhìn xuống, biển Đại Tây Dương lạnh cóng và xanh huyền thoại ôm lấy rìa phía Tây của mũi Hảo Vọng. Thuyền buồm no gió băng băng. Cá voi hiếu động phun nước trắng xóa.
Dường như giữa bao la trời nước ấy, người ta đều càng hiểu thêm rằng: thiên đường trên mặt đất là thứ có thật.
Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
(Tạp chí Du lịch)