Khu di tích văn hóa lịch sử Gò Tháp thuộc ấp 4 xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - là một giồng đất cao hơn mặt ruộng xung quanh chừng 4m, phía trên tập hợp nhiều gò nhỏ mấp mô uốn lượn, cảnh quan kiến trúc uy nghi bề thế trên tổng diện tích khoảng 5.000 m2. Nơi đây hội tụ 3 loại hình: di tích kiến trúc, di tích cư trú và di tích mộ táng và là những chỉ dấu quan trọng về các phương diện lịch sử, chính trị, kinh tế, nghệ thuật, tôn giáo của nền văn minh cổ xưa gắn với vương quốc Phù Nam. Ngoài giá trị khảo cổ, lịch sử, Gò Tháp được xem là tâm điểm của vùng Đồng tháp Mười.
Cảnh quan đầu tiên án ngữ tầm nhìn khách hành hương là một gò cao với tán cổ thụ xum xuê, lên đến đỉnh gò, cảm nhận bốn bề lộng gió xuyên qua cành lá rì rào, chung quanh đồng rộng tít chân trời.
Tiếp đó, khách hành hương đến chùa Tháp Linh (Tháp Mười cổ tự) tọa lạc tại đỉnh gò, tương truyền đã có từ đời Thiệu Trị (1841-1847), xa xưa là ngôi tháp thờ các vị thần của Hindu giáo. Sau một thời gian hoang phế bởi chiến tranh, ngày nay ngôi chùa cổ này đã được trùng tu lại. Chùa Tháp Linh hoành tráng uy nghi với kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của các đình chùa Việt Nam qua những tượng Phật, và các hoa văn, họa tiết trang trí...
Trong tiếng chuông chùa, khách lần bước sang đền thờ hai vị anh hùng dân tộc chống Pháp của Nam bộ là Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và Thiên hộ Võ Duy Dương – là công trình kiến trúc đẹp, được thiết kế theo kiểu đình Nam Bộ với hai nhà vuông thềm trùng điệp ốc. Gò Tháp được hai ông chọn làm căn cứ địa của nghĩa quân yêu nước trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là nơi xuất phát những trận đánh làm quân địch kinh hoàng, khiếp sợ.Tên tuổi hai ông gắn liền với mảnh đất Đồng Tháp Mười - sống chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước – khi thác về trời phù hộ độ trì người ngay, làm ăn chân chất, trừng trị kẻ gian ác hay làm điều xấu gây họa cho dân lành…
Trước đền có cụm tượng cách điệu tạc hình hai ông đang trong tư thế hiên ngang chỉ huy chiến đấu. Tại tường ngăn trước khi bước vào chánh điện, có chép hai bài thơ ngợi ca Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều. Ở chánh điện là bàn thờ to lớn uy nghi, trên thờ long vị của hai ông với đầy đủ đồ khí tự, trên cột có cặp liễn:
“Một thuở phất cao cờ đại nghĩa, Cần Lố sung gươm trừ phản tặc
Tháp Mười gan thép giữ thành đồng, ngàn năm vang vọng chí anh hào” nói lên tấm lòng của hậu thế đối với công lao của người xả thân vì đại nghĩa.
Đi một đoạn nữa kia là miếu Bà Chúa Xứ mới được dựng lại gần đây, với hai nhà vuông bằng vật liệu nặng trông rất bề thế. Mọi đồ khí tự đều mới, khách hành hương đến khấn nguyện rất đông.
Lễ hội Gò Tháp
Hằng năm, có hai kỳ lễ hội dân gian truyền thống: vía Bà Chúa Xứ (15 tháng 3 âm lịch) và lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều (15 tháng 11 âm lịch) - một trong những lễ hội có quy mô tổ chức lớn ở tỉnh Đồng Tháp, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hành hương từ mọi miền của đất nước. Cứ mỗi dịp vào lễ hội, người dân địa phương tình nguyện quyên góp gạo, rau, quả… người thì bỏ công nấu nướng phục vụ du khách tham quan, hành hương lễ hội. Đây cũng chính là nét đẹp, là tấm lòng của người dân địa phương đối với du khách thập phương và cũng chính nét đẹp ấy đã để lại trong lòng du khách sự quý mến và cảm phục.
Hiện nay, khu di tích Gò Tháp dưới sự quản lý của Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp đưa ra kế hoạch tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm với mục đích giữ gìn những nét truyền thống, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời quảng bá, giới thiệu những tiềm năng về du lịch, di tích lịch sử của Gò Tháp đến với du khách.
Lễ Cầu An: là cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ diễn ra lúc 15 giờ ngày 15 tháng 3 âm lịch (lễ vía Bà), tháng 11 âm lịch (giỗ Ông).
Lễ Thỉnh Sinh: lúc 1 giờ ngày 16 tháng 3 âm lịch (lễ vía Bà), tháng 11 âm lịch (giỗ Ông).
Lễ cúng Thần Nông: lúc 3 giờ ngày 16 tháng 3 âm lịch (lễ vía Bà), tháng 11 âm lịch (giỗ Ông), vật dâng cúng Thần Nông ngoài đầu heo còn sống phải đầy đủ cả nội tạng của con heo và một con gà luộc.
Lễ chánh tế: lúc 14 giờ ngày 16 tháng 3 âm lịch (lễ vía Bà), tháng 11 âm lịch (giỗ Ông), các vật phẩm cúng chánh tế gồm một con heo được làm sạch sẽ để sống (thỉnh sinh), các món khác được nấu chín, trái cây, hoa quả…
Lễ hội còn có nhiều tiết mục đặc sắc như múa hát, hát bội, trò chơi dân gian, đấu võ…hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Trần Thanh Thảo Uyên