Dấu hiệu hồi sinh
Pháp lam Huế xuất hiện dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, là những năm thịnh vượng của triều Nguyễn: quốc gia thống nhất, kinh tế ổn định. Triều đình chăm lo việc xây dựng kinh đô, đền miếu, trang trí tô điểm cho đời sống đế vương. Nghệ thuật pháp lam được sử dụng vào việc trang trí hoàng cung, lăng tẩm…
Pháp lam không phải là một nghệ thuật bình dân mà sản phầm này được dùng trong hoàng cung, tầng lớp quan lại triều Nguyễn. Vì thế, dòng sản phẩm này sau năm 1945 chỉ còn lại rất ít ở các phủ đệ, dinh thự. Trong dân gian, ít gia đình nào có được tác phẩm pháp lam. Do đó sự phổ biến, kế tục nghệ thuật pháp lam phần nào bị hạn chế.
Sau này, khi xã hội bắt đầu chú ý đến các tác phẩm pháp lam, thì kỹ thuật chế tác đã mai một, thất truyền và không còn dấu tích các lò xưởng. Hiện nay, đang có những công trình tìm tòi, nhằm khôi phục nghề pháp lam Huế. Tuy cố gắng nhiều, song kết quả rất khiêm tốn, chất lượng sản phẩm chưa đạt chuẩn. Song cũng là tín hiệu đáng mừng về việc hồi sinh nghề pháp lam ở Việt Nam.
Đối với người Trung Quốc, pháp lam là tất cả các chế phẩm có cốt làm bằng đồng, được phủ một hoặc nhiều lớp men màu, rồi đem nung. Tùy theo phương pháp chế tác thai cốt (dán chỉ đồng hay chạm trổ trực tiếp lên cốt đồng) và phương thức tráng men (phủ men vào các ô trũng) hay trực tiếp vẽ các họa tiết trang trí bằng men màu (trên bề mặt cốt đồng) mà người ta kiểm định tác phẩm.
Pháp lam Huế là một loại vật liệu kiến trúc, cốt bằng đồng, bên ngoài tráng nhiều lớp men đa màu, chịu đựng tốt các tác động ngoại lực, nhiệt độ, tác hại của mưa nắng và thời gian. Vì thế, thường được sử dụng để tạo thành các đồ án trang trí hình khối gắn trên đầu đao, đỉnh nóc, bờ quyết, mái nhà… hoặc tạo thành các mảng trang trí phẳng, hình vẽ phong cảnh, hoa cỏ, chim muông… trên các cung điện, các nghi môn hoàng cung và lăng tẩm nhà vua. Xét về mỹ thuật, pháp lam Huế là những tác phẩm nghệ thuật đa dạng, màu sắc rực rỡ, đề tài trang trí phong phú và sinh động. Đều là những cổ vật quý hiếm, sang trọng, chỉ được dùng để trang trí ở những nơi cung điện, tôn miếu uy nghiêm như điện Thái Hòa (Đại Nội, Huế), điện Hòa Khiêm (làng Tự Đức), điện Biểu Đức (làng Thiệu Trị)...
Pháp lam còn được sử dụng trong việc trang trí đồ dùng trong cung đình như bát, đĩa, khay, chậu hoa, bình hoa, những đồ tế tự như lư trầm, bát hương, quả bồng... Trình độ kỹ thuật chế tác pháp lam thời kỳ đầu chưa đạt độ sắc nét, tinh xảo, màu sắc không bằng pháp lam nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, pháp lam Huế lại mang nét đặc trưng riêng bởi dấu ấn sáng tạo của người Việt, của văn hóa Việt.
Tại Huế, trong Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình đang trưng bày 98 hiện vật pháp lam quý giá, gồm các vật dụng cung đình. Ngoài ra, pháp lam còn được lưu giữ trên các đồ áng rồng, máy, bát bửu, hoa điểu, thơ văn chữ Hán... tại một số công trình kiến trúc khác. Đa số những hiện vật pháp lam này đều do nghệ nhân và thợ Việt Nam làm. Căn cứ vào các tác phẩm còn lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, cho thấy dòng pháp lam Huế (thời Nguyễn) có đặc trưng riêng, không rập khuôn với dòng pháp lam thời Minh và thời Thanh ở Trung Quốc. Đây chính là thành tựu đáng trân trọng của các nghệ nhân pháp lam Việt Nam xưa.
Gần 150 năm tồn tại, nhà Nguyễn để lại trên đất cố đô Huế những tác phẩm pháp lam có một không hai, vừa là một loại hình trang trí, đồng thời là những tác phẩm nghệ thuật. |
Vũ Hào
(Tạp chí Du lịch)