Hành trình của một bảo vật quốc gia
Cuốn "Đường Kách mệnh" gốc duy nhất còn lại cho đến nay là bản in thạch gồm 100 trang, in trên giấy nến bằng kỹ thuật in litô, với kích thước 22×15cm, trang bìa lót có kích thước 15×20cm đã ngả màu vàng, hiện đang lưu giữ và bảo quản tại BTLSQG, được công nhận là Bảo vật quốc gia đợt đầu tiên (năm 2012). Đây là hiện vật độc nhất vô nhị kèm theo một bản lý lịch hiện vật chứa đựng một câu chuyện lý thú về hành trình của cuốn sách. Có một tờ giấy rời (tờ trình) viết chữ Nôm bằng mực son kể về việc bắt được cuốn sách với nội dung như sau:
“Tên con là Phó lý Nguyễn Văn Tôn, xã Hạ Trường, xin nộp quan huyện Thanh Hà quyển sách này. Con xin làm đơn trình sau. Bảo Đại năm thứ 5, ngày 29 tháng Hai”. Phó lý Nguyễn Văn Tôn (ký), có chữ “ Nhất” và chữ “ Phụng đệ” cùng với dấu của tri huyện Thanh Hà (Hải Dương).
Tờ trình của Phó lý xã Hạ Trường xác nhận một điều quan trọng là ngày 29/2, Bảo Đại năm thứ 5, tức là ngày 28/3/1930 đã bắt được cuốn sách “cấm” tại nơi cư trú và nộp “tang vật” kèm theo tờ trình. Huyện Thanh Hà, Hải Dương là quê hương của Nguyễn Lương Bằng. Như vậy, có thể hình dung cuốn sách được Nguyễn Lương Bằng giấu trên những con tàu chạy tuyến đường Quảng Châu - Hải Phòng, đưa về quê ông, tuy nhiên đã bị phát hiện. Từ Hải Dương, cuốn sách được đưa vào hồ sơ sách cấm và được đưa về tòa án tối cao của thực dân Pháp ở Hà Nội lưu giữ. Sau khi ta tiếp quản thủ đô Hà Nội, cụ Nguyễn Văn Hoan - một lão thành cách mạng làm việc ở tòa án tối cao, trong quá trình sắp xếp lại tư liệu đã phát hiện ra cuốn “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, cụ đã chuyển cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là BTLSQG).
Nội dung chính của “Đường Kách mệnh”
Ngoài lời đề tựa, nội dung “Đường Kách mệnh” được phân chia theo từng vấn đề, số trang cũng được đánh theo từng vấn đề mà không đánh liền cho cả cuốn sách.
Phần mở đầu, “Đường Kách mệnh” ghi rõ: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: 1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. 2) Vì sao cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. 3) Đem cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. 4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. 5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? 6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?”, để rồi đạt đến mục đích cao hơn là “đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”.
"Đường Kách mệnh" xác định chuẩn mực đạo đức của những người cách mạng. Đó phải là những người có nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh thì mới tiếp thu được tinh thần của lý luận, mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng khó khăn. 23 tiêu chuẩn, quy tụ trong 3 mối quan hệ cơ bản của một con người cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc nêu ra là: Đối với mình (14 tiêu chuẩn): Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người (5 chuẩn mực): Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Đối với công việc (4 tiêu chuẩn): Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể.
Con đường cách mệnh: từ việc giới thiệu, phân tích tính chất các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới: cách mạng Mỹ 1776, cách mạng Pháp 1789, cách mạng Nga 1917, đối chiếu với nhu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam: độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, tác giả đã định hướng cho cách mạng Việt Nam là đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga, tức là theo con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Về lực lượng cách mạng: công nông là người chủ “là vì công nông bị áp bức nặng hơn, là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết, là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc”. Học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn cách mệnh của công nông. Những chỉ dẫn cơ bản này là nền tảng lý luận hình thành khối liên minh công nông và Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Về đoàn kết quốc tế: cách mạng Việt Nam phải đoàn kết với các lực lượng cách mạng thế giới, phải đứng hẳn về phía phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc thế giới để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa trên thế giới; xác định rõ quan hệ lợi ích dân tộc và cách mạng thế giới, giữa quyền lợi và trách nhiệm, sự thống nhất của quan hệ này; xác định rõ quan hệ cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc là tác động qua lại. Cách mạng thuộc địa không thụ động ngồi chờ cách mạng chính quốc.
Về phương pháp cách mạng, Nguyễn Ái Quốc khẳng định phương pháp cách mạng giữ vai trò hết sức quan trọng. Đó là phải làm cho dân giác ngộ; phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu; phải hiểu phong trào thế giới, phải bày sách lược cho dân; phải đoàn kết toàn dân “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”; phải biết tổ chức dân chúng lại; phải giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng của quần chúng, phải biết chọn thời cơ.
Về Đảng Cộng sản: Đảng là điều kiện đầu tiên để đảm bảo cho sự thành công của cách mệnh. “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải theo chủ nghĩa Mác - Lênin.
"Đường Kách mệnh" đã trình bày một cách hệ thống những vấn đề cơ bản của lý luận cách mạng, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối của cách mạng Việt Nam, trở thành cuốn “cẩm nang” gối đầu giường của thế hệ cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Dưới ánh sáng của “Đường Kách mệnh”, lớp học trò đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đã về nước hoạt động, cùng với Người chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, phát động, tổ chức, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.
Đúng 90 năm trước đây, năm 1927, “Đường Kách mệnh” - cuốn sách tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc dùng để đào tạo những cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam những năm 1925 - 1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc) lần đầu tiên được xuất bản. Đây được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 90 năm ngày ra đời “Đường Kách mệnh” (1927 - 2017), nhân dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) đang trưng bày tác phẩm nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng giá trị và ý nghĩa lớn lao của tác phẩm “Đường Kách mệnh” - bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng.
|
Mai Thủy
(Tạp chí Du lịch)