Đây là một trong chuỗi các sự kiện, hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2017, đồng thời là sự kiện văn hóa thể thao và du lịch có ý nghĩa đặc biệt đối với huyện Trùng Khánh, nhằm quảng bá vẻ đẹp của thác Bản Giốc nói riêng và non nước Cao Bằng nói chung, qua đó thu hút thêm nhiều du khách đến với huyện Trùng Khánh và tỉnh Cao Bằng. Lễ hội du lịch Thác Bản Giốc diễn ra trong hai ngày 7-8/10/2017 và được tổ chức đồng thời với Liên hoan hát then, đàn tính Cao Bằng lần thứ 1 - năm 2017, cũng là dịp tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của các dân tộc Tày - Nùng.
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Phạm Văn Cao, Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh cho biết: Ngày 13/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu du lịch Thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết khu trung tâm Khu du lịch Thác Bản Giốc. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để huyện Trùng Khánh và tỉnh Cao Bằng thực hiện chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, định hướng cho các năm tiếp theo đạt kết quả, phấn đấu khu du lịch Thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch quốc gia với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo theo hướng chuyên nghiệp, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương.
Lễ khai mạc đã diễn ra với chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Trùng Khánh trên con đường phát triển và hội nhập” do Đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng và đội văn nghệ quần chúng huyện Trùng Khánh biểu diễn, với các tiết mục ca ngợi sắc màu non nước Cao Bằng, cùng những làn điệu then độc đáo...
Vào thời gian cùng ngày cũng diễn ra lễ hội Phật tích Bản Giốc: mùa hạt dẻ 2017, mở đầu bằng lễ rước nước thiêng từ thác Bản Giốc lên chùa Phật tích Trúc Lâm, thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an, tri ân với những bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ, dâng hương tại chùa, do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với UBND huyện Trùng Khánh tổ chức.
Đến với lễ hội Thác Bản Giốc, du khách còn có thể tham dự nhiều hoạt động văn hóa du lịch sôi nổi: triển lãm ảnh về vẻ đẹp non nước Cao Bằng; khu gian hàng ẩm thực và sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; thi đấu các môn thể thao như đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo...; tham gia các trò chơi dân gian như tung còn, bịt mắt bắt vịt, bóc hạt dẻ, lày cỏ... Buổi tối diễn ra chương trình nghệ thuật Việt - Trung, giao lưu văn nghệ với các huyện Đại Tân, Tịnh Tây (Trung Quốc) với chủ đề nâng tầm hợp tác hữu nghị truyền thống, ca ngợi quê hương, đất nước, thể hiện các làn điệu văn hoá của huyện nhà. Thác Bản Giốc không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển du lịch của Cao Bằng nói chung mà còn là địa danh gắn kết hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Thông qua lễ hội lần này cũng là dịp thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác giữa huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) và các huyện trong và ngoài tỉnh.
Trong khuôn khổ Liên hoan hát then, đàn tính Cao Bằng lần thứ 1 - năm 2017, du khách có thể thưởng thức những làn điệu then ngọt ngào sâu lắng, do những nghệ nhân không chuyên đến từ 13 đoàn trong toàn tỉnh Cao Bằng biểu diễn. Các tiết mục xuất sắc trong Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ 1 được công diễn vào ngày 8/10/2017.
Hoa Trang