Ngành Du lịch cần đẩy mạnh liên kết, hành động trong triển khai nhiệm vụ năm 2021
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết trước tác động của dịch Covid-19, ngành Du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động, làm thay đổi cơ bản các mục tiêu, chiến lược phát triển du lịch năm 2020. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2020 chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312,2 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% tương đương 19 tỷ USD. Trước bối cảnh đó, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, tích cực, chủ động đề xuất, triển khai trực tiếp nhiều hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu nhiệm vụ kép do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo như: tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp du lịch phòng, chống dịch Covid-19; nghiên cứu đề xuất triển khai hai chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và doanh nghiệp, góp phần thu hút khách tăng trở lại, giảm thiểu thiệt hại cho ngành Du lịch.
Hiện cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, 26.721 hướng dẫn viên, 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 195 khách sạn 5 sao. Năm 2020, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực châu Á như Điểm đến Di sản hàng đầu, Điểm đến Văn hóa hàng đầu, Điểm đến Ẩm thực hàng đầu, Điểm đến Golf tốt nhất; đặc biệt, lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”.
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo khách du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu quá trình phục hồi từ quý 3 năm 2021, tuy nhiên để đạt được mức bằng năm 2019 cần khoảng thời gian từ 2,5 năm đến 4 năm, tùy tình hình kiểm soát đại dịch Covid-19. Nằm trong bối cảnh chung, Du lịch Việt Nam cũng cần nhiều thời gian để phục hồi lượng khách du lịch quốc tế. Nhằm góp ý vào các giải pháp phục hồi du lịch trong thời gian tới, nhiều ý kiến tham luận từ đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được đưa ra tại hội nghị, trong đó tập trung vào các nội dung: định hướng công tác xúc tiến quảng bá du lịch; triển khai hoạt động du lịch an toàn; tiếp tục đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch; giải pháp quản lý một số loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới; quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những nỗ lực cũng như những kết quả tích cực của ngành Du lịch nhằm vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động trong năm 2020; bên cạnh đó cũng chỉ rõ 5 hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Nhấn mạnh năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của đất nước, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu ngành Du lịch cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thể hiện khát vọng phát triển trong thời kỳ mới.
Đồng tình với phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Tổng cục Du lịch cùng ngành Du lịch trong năm 2021 cần tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: tăng cường liên kết trong ngành Du lịch để phát triển các sản phẩm du lịch, triển khai hiệu quả các chương trình liên kết phát triển du lịch; tập trung vào công tác xây dựng thể chế, rà soát đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới; nghiên cứu định vị lại các thị trường du lịch quốc tế, chú trọng “tăng lượng đồng thời với tăng chất”, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường khách; tập trung tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa; tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó tập trung vào phát triển trung tâm dữ liệu ngành Du lịch, bản đồ du lịch; quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao ở cả cơ quan quản lý nhà nước và định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Thay mặt cho tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cảm ơn những ý kiến chỉ đạo góp ý của Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua đó Tổng cục Du lịch sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, góp ý đưa vào mục tiêu phấn đấu triển khai công tác năm 2021 đạt hiệu quả.
Hạ Tinh