Hội nghị có sự tham dự của ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phan Việt Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam; ông Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cùng sự tham gia của trên 400 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn...
|
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Trong những năm gần đây, Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đang ngày càng thể hiện được vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn 2015 - 2019 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch Việt Nam: khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 18 triệu lượt, tăng 2,3 lần so với năm 2015; khách du lịch nội địa năm 2019 đạt 85 triệu lượt, tăng 1,5 lần so với năm 2015; đóng góp vào GDP tăng từ 6,5% năm 2015 lên 9,2% năm 2019; năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019. Du lịch tăng trưởng đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành và lĩnh vực của xã hội, góp phần nâng cao hiểu biết, tình hữu nghị, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó du lịch là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất, kéo theo sự sụt giảm của các ngành liên quan và ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Năm 2020, dự báo khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 45%, thiệt hại kinh tế du lịch khoảng 23 tỷ USD. Qua đó, càng thấy rõ vai trò và sự lan tỏa của ngành Du lịch gắn bó khăng khít với các ngành dịch vụ liên quan.
“Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Du lịch quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch an toàn, vừa phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, dẫn đến hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết thêm.
Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam chia sẻ về tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với giao thông thuận lợi và đa dạng từ đường thủy, đường sắt, đường bộ đến đường hàng không, Quảng Nam hội tụ nhiều giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với hai Di sản Văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, cùng hơn 400 di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh, và nhiều biển đảo, bãi tắm…
Thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Nam đã cụ thể hóa chương trình, tập trung quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách để phát huy tiềm năng lợi thế về phát triển du lịch của tỉnh. Qua đó, năm 2019, Quảng Nam đã đón trên 7,7 triệu khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm hơn 50%, với tốc độ tăng trưởng du lịch chiếm hơn 50%. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng có nhiều địa danh du lịch, cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng được các tổ chức uy tín trên thế giới bình chọn nằm trong top các giải thưởng có chất lượng.
Nhằm thúc đẩy, phục hồi du lịch phù hợp với tình hình hậu Covid-19, tỉnh Quảng Nam đề xuất chuyển đổi số trong kích cầu du lịch, cam kết với Chính phủ và các Ban, Bộ, ngành Trung ương thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili đánh giá cao tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam khi thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời cho rằng, Hội nghị toàn quốc về Du lịch 2020 được tổ chức trong thời điểm hết sức quan trọng với ngành Du lịch Việt Nam, đòi hỏi những giải pháp và quyết sách đúng đắn tại thời điểm thích hợp trước tình hình đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.
Nhân sự kiện này, Tổng Thư ký UNWTO tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điển hình cho tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo. UNWTO sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thích ứng với thực trạng. Theo đó, Bộ hướng dẫn tái khởi động ngành Du lịch toàn cầu của UNWTO là lộ trình phù hợp, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công - tư và ưu tiên sức khỏe cộng đồng.
|
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, với tinh thần chủ động, chống dịch như chống giặc, Việt Nam đã sớm xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 một cách toàn diện theo các kịch bản ứng phó được chuẩn bị kỹ lưỡng, trở thành điểm sáng về an toàn phòng chống dịch trên thế giới. Tuy nhiên, ngành Du lịch Việt Nam vẫn không tránh khỏi những tổn thất nặng nề, gây ảnh hưởng toàn diện, đòi hỏi toàn ngành phải có biện pháp ứng phó kịp thời, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Theo đó, ngành Du lịch đã thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, chủ động điều chỉnh kế hoạch, chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh dừng đón khách quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đặt ra với ngành Du lịch Việt Nam là nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị với Chính phủ một số vấn đề: (1) Tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngành Du lịch và doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để phục hồi khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. (2) Tăng cường đầu tư công cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, các công trình văn hóa lớn, công viên sinh thái, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, và tăng khả năng tiếp cận điểm đến du lịch. (3) Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành Du lịch đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan tích cực tham gia vào các công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19; tích cực tham gia vào việc xây dựng chuỗi cung ứng phát triển du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm, đào tạo nhân lực, lồng ghép truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam... Các địa phương quan tâm chỉ đạo việc phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch trên địa bàn, tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, hỗ trợ người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch...
|
Chia sẻ các giải pháp chiến lược tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch trong và sau đại dịch Covid-19, ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, CEO Tập đoàn Thiên Minh đề xuất 3 giải pháp: (1) Phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55 - 75% tổng thu của ngành Du lịch trong 2 - 3 năm tới. (2) Tăng năng lực cạnh tranh của toàn ngành Du lịch Việt Nam, đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vaccine Covid-19. (3) Có các giải pháp về cơ chế đối thoại công - tư hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.
“Để phát triển thị trường du lịch, cần hỗ trợ doanh nghiệp có dòng tiền và kích cầu tạo thị trường. Ngoài ra, cần tái cấu trúc và chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế bằng các giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh, mở cửa du lịch an toàn trước khi có vaccine Covid-19. Đồng thời, cần có cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thực trạng và có giải pháp ứng phó” - ông Kiên đề xuất thêm.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn Võ Anh Tài thì vừa phòng chống dịch, vừa ưu tiên đảm bảo sức khỏe cộng đồng là điều kiện tiên quyết của các cơ quan, Ban, ngành trong bối cảnh hiện nay, đồng thời, cần đảm bảo an toàn cho cả du khách, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Do đó, cần có cơ chế kịch bản phối hợp liên vùng, liên ngành hay kinh tế vùng; và cần có kịch bản ứng phó kịp thời, kích hoạt ngay nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, chống lây lan, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, phát triển.
Ông Võ Anh Tài cũng đề xuất có cơ chế tắt mở kịp thời trong mọi tình huống, không thể chờ đến khi có vaccine mới đi du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam cần linh hoạt ứng phó với mọi vấn đề có thể xảy đến.
|
Nhằm làm mới sản phẩm du lịch để tăng hiệu quả kích cầu du lịch, ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đề xuất một số giải pháp kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay: (1) Kiến tạo và phát triển những sản phẩm du lịch mới, đáp ứng xu thế mới, nhất là sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thiền… (2) Gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu bằng mô hình "kinh tế đêm", trước mắt nên thực hiện ở một số địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, thiết lập các khu mua sắm tập trung, đảm bảo chất lượng, gia tăng các dịch vụ giải trí, các show nghệ thuật, các loại hình ẩm thực về đêm… (3) Phát huy tinh thần “Đại đoàn kết” tạo liên minh doanh nghiệp - địa phương - chính phủ để phát huy sức mạnh tập thể, tạo thành sóng lớn trong phục hồi thị trường. (4) Tiếp tục phục hồi thị trường nội địa hiệu quả hơn với tinh thần “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. (5) Chính phủ hỗ trợ các hãng hàng không “mở cửa bầu trời nội địa” nhằm giúp khai thác được du khách nội địa thường xuyên đi du lịch.
|
Định hình lại chính sách hỗ trợ và tái cơ cấu ngành Du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) Nguyễn Quốc Kỳ đưa ra 2 đề xuất nhằm vực dậy ngành Du lịch: (1) Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sau dịch Covid-19, trong đó triển khai các nhóm về chính sách thuế, tài chính, ngân hàng; nhóm về phí, lệ phí; nhóm chính sách kích cầu thị trường trong nước… (2) Tái cơ cấu ngành Du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19 thông qua đổi mới nhận thức, tư duy về định hướng phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm phát triển theo đúng định hướng ngành kinh tế tổng hợp, bao gồm nhóm các tiểu ngành như: vận chuyển, lưu trú, dịch vụ, lữ hành; hoàn thiện thể chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đã đưa ra 3 đề xuất: Một là, phát triển du lịch nội địa là hướng đi quan trọng trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ, rõ ràng. Các Ban, ngành liên quan cần phân luồng từng đối tượng khách du lịch để thiết lập các sản phẩm du lịch tương ứng với họ. Hai là, nâng cao chuyển đổi số trong du lịch; cần phân chia rõ ràng trách nhiệm của nhà nước, và trách nhiệm của doanh nghiệp là xây dựng chuyển đổi số, marketing cho chính doanh nghiệp đó. Ba là, chú trọng liên kết, liên ngành, liên vùng và cần hướng đến ở mức độ quốc gia. Chính phủ cần hình thành bộ phận chuyên ngành liên quan nhằm giám sát, ủng hộ, tập kết thường xuyên mối liên kết này.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, người dân cùng chung tay đóng góp cho phát triển ngành Du lịch Viêt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn một số thách thức đang đặt ra với ngành Du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo ngành Du lịch Việt Nam cần có những hành động quyết liệt hơn trong vấn đề chuyển đổi số. Trong thời gian này, chưa vội mở các đường bay quốc tế đón khách nước ngoài mà cần chú trọng phát triển du lịch nội địa; tập trung kích cầu khách du lịch nội địa, và có những chính sách hiệu quả thu hút du khách lưu trú và dành thời gian trải nghiệm tại địa phương dài ngày nhưng không quên mang đến sự an toàn trong du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã thay mặt toàn ngành Du lịch Việt Nam tiếp thu những góp ý và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, qua đó xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhằm phát triển Du lịch Việt Nam vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay và phát triển trong những giai đoạn tới.
“Thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả “kỳ diệu” nhưng vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. “Cùng nắm tay nhau để cùng hành động” là khẩu hiệu mà ngành Du lịch Việt Nam sẽ hướng tới để đề ra những biện pháp và giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm khắc phục hậu quả của Covid-19, ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh thêm.
Anh Minh