Nhấn mạnh về vai trò của du lịch nông nghiệp nông thôn ngày càng có vị thế hơn trong quá trình phát triển bền vững của ngành Du lịch phù hợp với xu thế, thị hiếu của du khách hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng: Du lịch nông nghiệp đang trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của Du lịch Việt Nam và một số địa phương, một số sản phẩm du lịch nông nghiệp đã trở thành thương hiệu, một số mô hình kinh doanh du lịch kết hợp với khai thác nông nghiệp đã thành công, mang lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương.
Đối với du lịch nông nghiệp tại Nghệ An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Thị Thành An cho biết: Bên cạnh các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng có thế mạnh, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với văn hoá cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tuy bước đầu được triển khai nhưng đã đem lại hiệu quả rõ nét cho Du lịch Nghệ An. Trong giai đoạn 2016 - 2018, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch di sản, du lịch làng nghề tại các bản làng nông nghiệp của các huyện Nam Đàn, Con Cuông được xây dựng và tạo điểm nhấn mới cho du lịch Nghệ An.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhận định: Nghệ An là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp do tỷ lệ ngành nghề nông nghiệp, nông thôn chiếm diện tích và tỷ trọng lớn, trong đó huyện Nam Đàn - là 1 trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ lựa chọn làm điểm để xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2025 theo hướng "Phát triển văn hoá gắn với du lịch". Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố tài nguyên, môi trường sinh thái, phát triển theo chiều rộng, thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả kinh tế - xã hội từ hoạt động du lịch nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng.
Là huyện đồng bằng nửa đồi núi thuộc tỉnh Nghệ An nằm ở hạ lưu sông Lam, Nam Đàn là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa vừa phong phú với 173 di tích, danh thắng, trong đó có Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, chùa Đại Tuệ… cùng hệ thống sông, núi, hồ, đập đa dạng. Nam Đàn được xác định là vùng trọng điểm phát triển du lịch, cùng với thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò tạo thành tam giác phát triển du lịch của Nghệ An và Bắc Trung Bộ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Vương Hồng Thái cho biết: Trong những năm qua, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng phục vụ du lịch cùng nhiều tuyến đường được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng; một số di tích được tu bổ và mở rộng khuôn viên (Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu, chùa Đại Tuệ, quần thể đền Chung Sơn…); một số nhà hàng, cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch được hoàn thành… Bên cạnh đó, các mô hình du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu do huyện chỉ đạo hỗ trợ cơ bản đã hoàn thiện chuẩn bị đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch như: mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm của hộ gia đình Phạm Ngọc Lợi tại xã Nam Nghĩa; mô hình trang trại hoa của hộ gia đình ông Phạm Trung Kiên tại xã Kim Liên; mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm Eo Gió tại xã Nam Giang; mô hình hình du lịch homestay của 4 hộ gia đình (ông Nguyễn Sinh Chung, ông Nguyễn Sinh Lạc, ông Vương Minh, ông Nguyễn Hồng Thuý) tại xóm Sen 3, xã Kim Liên.
Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý, các Sở ban ngành, đại diện các doanh nghiệp lữ hành 3 miền, các cơ quan báo chí đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến góp ý tích cực cho việc khai thác loại hình du lịch nông thôn tại Nam Đàn nói riêng và du lịch Nghệ An nói chung. Từ thực tế sau 3 ngày (1-3/12/2020) khảo sát các điểm đến tại Nam Đàn, Con Cuông, Cửa Lò, thành viên đoàn khảo sát cùng các đại biểu tham dự tọa đàm đã trao đổi, đánh giá về tiềm năng, thực trạng khai thác du lịch nông thôn ở Nghệ An; đánh giá khả năng liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa huyện Nam Đàn với các địa bàn trong trong tỉnh và trong khu vực.
Để phát triển du lịch nông nghiệp ở Nam Đàn, TS. Ngô Kiều Oanh - Chuyên gia tư vấn độc lập du lịch nông nghiệp, nông thôn cho rằng Nam Đàn cần cải thiện hạ tầng giao thông, nâng cấp dịch vụ, sản phẩm, cung cấp thông tin đầy đủ cho du khách; nhất là nên tập trung khai thác sản phẩm cây sen thành sản phẩm mũi nhọn để phát triển du lịch. Nhiều ý kiến từ các đơn vị lữ hành như Sài Gòn Hòn Ngọc Tourist, Easyway Travel, Discovery Indochina Travel… cũng cho rằng Nam Đàn nên tập trung vào sản phẩm du lịch làng Sen quê Bác; đầu tư sản phẩm hoàn chỉnh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho các điểm du lịch; tăng cường các dịch vụ lưu trú homestay, vui chơi, giải trí; xây dựng sản phẩm hướng đến phân khúc thị trường cụ thể như khách học sinh và đi trong ngày…
Bên cạnh tận dụng ưu thế làng Sen quê Bác và các sản phẩm bổ trợ, một số ý kiến đưa ra giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nông thôn ở Nam Đàn cần kết hợp với loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, để có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, tăng thời gian lưu trú cho khách du lịch… Trong đó đặc biệt, điểm du lịch tâm linh chùa Đại Tuệ, đền Chung Sơn và khu du lịch sinh thái Phà Lài là có thể đưa vào khai thác ngay cùng với trải nghiệm làng nghề truyền thống, nghe dân ca ví - giặm...
Hạ Tinh