Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: Thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; thực hiện Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã triển khai xây dựng Đề án Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Du lịch theo các chỉ số xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Trong khuôn khổ Chương trình Hành động quốc gia về du lịch năm 2020, Tổng cục Du lịch triển khai xây dựng giải pháp, nhiệm vụ nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam để tiến tới lập đề án trình Chính phủ phê duyệt. Tại hội thảo này, Tổng cục Du lịch mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận nhằm nhìn nhận rõ năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch trong các nhóm chỉ số xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Trong những năm vừa qua, hoạt động du lịch đã có những đóng góp đáng kể vào nền kinh tế toàn cầu, chiếm 10% tỷ trọng GDP và tạo ra 1/10 việc làm trên thế giới. Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch quy mô toàn thế giới 2 năm một lần. Báo cáo năng lực cạnh tranh của du lịch năm 2019 đã xếp hạng 140 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 14 nhóm chỉ tiêu với 90 chỉ số thành phần.
So với báo cáo năm 2017, năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam năm 2019 đã được cải thiện đáng kể, xếp hạng 63/140 nền kinh tế, tăng 4 bậc. Trong đó, các chỉ số về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ số năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam có thứ hạng khá thấp (xếp hạng trên 100), có thể kể đến như: chỉ số bền vững về môi trường (xếp hạng trên 121), chỉ số hạ tầng dịch vụ du lịch (xếp hạng 106), chỉ số mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch (xếp hạng 100)…
Năm 2019, Việt Nam được xếp hạng vị trí thứ 4 về lượng khách du lịch quốc tế đến trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua Indonesia và bám sát Singapore; được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vị trí thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế nhanh nhất thế giới. Tuy vậy, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến toàn ngành Du lịch, gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của du lịch. “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, năng lực cạnh tranh của du lịch phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của các ngành liên quan; trong 14 nhóm chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành Du lịch có phần lớn các chỉ số gắn với các ngành khác như giao thông vận tải, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường… Vì vậy để nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, ngành Du lịch rất cần đến sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan cũng như sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận liên quan đến về một số vấn đề như: Mối quan hệ của các chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với các bộ chỉ số của các ngành, lĩnh vực liên quan được giao chủ trì và việc thực hiện giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các bộ, ngành tương ứng; Tình hình thực hiện các giải pháp và những vấn đề cần đề xuất để cải thiện nhóm chỉ số về môi trường bền vững gắn với các chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch theo WEF; Bối cảnh, các tác động của dịch bệnh Covid-19 và các tác động đến năng lực cạnh tranh ngành Du lịch; Kinh nghiệm xây dựng, thực thi PCI và hướng tới xây dựng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về du lịch; Ảnh hưởng của đại dịch Covid tới các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam; Tình hình thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua và những thách thức đặt ra về nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch trong bối cảnh Covid-19 và hậu Covid-19; Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp ngành Du lịch đề nghị các bộ, ngành thực hiện để cải thiện các chỉ số liên quan đến nguồn nhân lực, y tế, ứng dụng công nghệ thông tin…
Sau phần tham luận, hội thảo đã tiến hành thảo luận nhóm bàn về các giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành Du lịch theo các chỉ số của WEF, bao gồm cả những giải pháp trước mắt và những giải pháp dài hạn.
Thảo Chi